Các doanh nghiệp du lịch phải mạnh dạn hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc chuyển đổi số
VHO- Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Diễn đàn du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” diễn ra ngày 7.9, sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 17 (ITE HCMC 2023).
Toàn cảnh Diễn đàn du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”
Tham gia Diễn đàn Du lịch cấp cao có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và khoảng 400 đại biểu là lãnh đạo Bộ VHTTDL, BộTT&TT Việt Nam, Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia, Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch CHDCND Lào, UBND TP.HCM, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), các Tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành du lịch và chuyển đổi số Việt Nam và các nước; cùng lãnh đạo UBND, Sở quản lý du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp du lịch.
Nhiệm vụ chiến lược
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” là sự kiện quan trọng, được tổ chức trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang có những tín hiệu, kết quả phục hồi tích cực và hướng tới kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới 27.9 với chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh” nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thúc đẩy tái thiết phục hồi du lịch bền vững; Du lịch Việt Nam đang khẩn trương, tích cực tập trung triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Diễn đàn năm nay nhằm tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, kết nối hợp tác, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đem lại sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi số du lịch; góp phần đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Sự có mặt của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Diễn đàn thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với du lịch và chuyển đổi số trong du lịch”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, từ sau khi mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, với sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự ủng hộ và chia sẻ của các Bộ, ngành; sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của toàn Ngành, sự chủ động vào cuộc quyết liệt của các địa phương; sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp và công tác chỉ đạo định hướng kịp thời, hiệu quả về cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển và quảng báxúc tiến du lịch đã giúp ngành Du lịch “vượt sóng cản” từng bước phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.
Các đại biểu tham dự khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM
Việc chuyển đổi số trong du lịch thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Nhà nước và chương trình, đề án của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia. Du lịch là một trong những ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số khi đưa việc đặt vé máy bay và khách sạn lên trực tuyến. Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều diễn ra trên môi trường số. Đại dịch Covid-19 cũng đòi hỏi ngành Du lịch cần có giải pháp ứng phó linh hoạt với những khủng hoảng tương tự trong tương lai. Do đó, hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần tranh thủ các thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Diễn đàn về chuyển đổi số đối với du lịch là dịp để chúng ta chứng minh, làm rõ hơn biểu hiện quyết liệt của ngành du lịch trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như quy định của pháp luật. Đặc biệt là, trong toàn ngành du lịch chúng ta đang tập trung thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ, khi xác định chuyển đổi số và xây dựng du lịch thông minh là một yêu cầu có tính chất bắt buộc mà Việt Nam phải triển khai. (Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG) |
Kết nối để du khách tiếp cận nhanh nhất
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia Sok Soken bày tỏ cảm ơn đến BTC và Việt Nam khi ông được tham dự Diễn đàn cũng như các hoạt động tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM năm nay. Theo ông, hoạt động chuyển đổi số mang lại cơ hội kết nối kinh doanh cho tất
cả mọi người. “Chúng ta thấy rằng giai đoạn gián đoạn vì đại dịch Covid-19 vừa qua là kinh hoàng chưa từng có. Công nghệ số đã trở thành yếu tố quan trọng trong ngành du lịch, mang đến nhiều cơ hội và thách thức mới. Nền tảng số cho các doanh nghiệp và khách hàng kết nối toàn cầu, cho phép du khách trải nghiệm hành trình toàn cầu thông qua nền tảng công nghệ. Họ có thể nghiên cứu điểm đến, hành trình tour, tuyến chỉ trên “một ngón tay”. Song song đó, sự phát triển của nền tảng số cũng mang lại sự canh tranh… Campuchia cũng đã kiên trì vượt qua thách thức của đại dịch, đặt ra một lộ trình dài hạn trong việc chuyển đổi số.
Theo ông Mayur Patel, thành viên Hội đồng quản trị, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), nếu chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và đồng bộ, du lịch Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn. Từ khi chuyển đổi số và công nghệ phát triển mạnh, khi du khách tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam, họ không chỉ biết Hà Nội và TP.HCM, mà còn được trải nghiệm văn hóa ở nhiều khu vực khác, vùng miền khác trên mọi miền đất nước. Đặc biệt đối với du khách trẻ, họ thích khám phá từ xa trước khi trải nghiệm thực tế… “Tôi cho rằng, nền tảng số rất quan trọng từ nền tảng số sẽ kết nối được nhiều đối tượng du khách trên thế giới. Không chỉ vậy, chuyển đổi số có thể hỗ trợ khai thác và phân tích dữ liệu, sử dụng dữ liệu này để tận dụng và phát triển du lịch. Chuyển đổi số mang đến giá trị và đóng vai trò quan trọng trong việc tương tác với du khách và khuyến khích hành vi tích cực của du khách”, ông Mayur Patel chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Các doanh nghiệp làm du lịch ở Việt Nam phải mạnh dạn hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số để chủ động, hợp tác và nhất là kiến tạo hạ tầng để dùng chung, phát triển, kết nối để đưa du lịch Việt Nam chúng ta tiếp cận được là du lịch thông minh. Tự thân ngành du lịch nó đã là kết nối, vấn đề số hóa nó sẽ giúp chúng ta kết nối tốt hơn”.
Không gian văn hóa giàu bản sắc tại Đêm Gala “Dáng hình Việt Nam”
Trụ cột phải là tài nguyên văn hóa
Phát biểu định hướng tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của diễn đàn năm nay “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” nhằm hướng tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Theo Phó Thủ tướng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số tạo thuận lợi và thúc đẩy những giải pháp phát triển mới đã và đang tác động ngày càng sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Là ngành có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới sáng tạo nhưng để có thể phát triển nhanh hơn và mang tính bứt phá, bền vững hơn, du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này khi tạo ra không gian số, hạ tầng số, dữ liệu và các xu thế mang lại hiệu quả, năng lực cạnh tranh tốt hơn. Đối với Việt Nam, cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là một chủ trương lớn trong đó tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có du lịch số. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số trong du lịch một cách hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành Du lịch.
“Tôi xin nhấn mạnh một số trọng tâm mà Việt Nam đang thúc đẩy triển khai đó là: Ban hành chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành du lịch như xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số về các di sản văn hóa, danh thắng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Việt Nam mở để người dùng có thể làm giàu tài nguyên… Xây dựng và hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý đồng bộ cho thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong du lịch; thiết lập các chuẩn mực pháp lý, quy tắc ứng xử trên môi trường số hình thành xã hội số…
Đối với Việt Nam, cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là một chủ trương lớn trong đó tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có du lịch số. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số trong du lịch một cách hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành Du lịch. (Phó Thủ tướng TRẦN HỒNG HÀ) |
Song song đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực bởi nếu không có nhân lực số thì không có du lịch số. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng với các xu thế mới, giảm thiểu các tác động do chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn. Có các chính sách thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ trong ngành Du lịch. Và như tôi đã nói ở trên Việt Nam sẽ khai thác ưu thế về người dùng internet, thiết bị di động để hình thành xã hội số… Với vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế, du lịch thông minh, du lịch số phải là một trong những động lực chính của nền kinh tế số Việt Nam. Chính phủ mong muốn và hy vọng rằng Du lịch sẽ thuộc nhóm ngành đi đầu về chuyển đổi số quốc gia, tạo sự phát triển mới cho Ngành và mang lại cảm hứng cho cả đất nước về chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Du khách tham quan gian hàng quốc tế tại Hội chợ
Kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, “Đến thời điểm này, sau khai mạc Hội chợ, chúng ta đã nhận thấy sự thành công bước đầu rất đáng trân trọng cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Cũng trong khuôn khổ lần Hội chợ này, chúng ta đã tổ chức các hoạt động thiết thực hơn, ý nghĩa hơn, chọn được vấn đề có tính chất trọng tâm để tổ chức diễn đàn. Xét về góc độ là nước chủ nhà, Diễn đàn về chuyển đổi số đối với du lịch là dịp để chúng ta chứng minh, làm rõ hơn biểu hiện quyết liệt của ngành du lịch trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như quy định của pháp luật. Đặc biệt là, trong toàn ngành du lịch đang tập trung thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ, khi xác định chuyển đổi số và xây dựng du lịch thông minh là một yêu cầu có tính chất bắt buộc mà Việt Nam phải triển khai. Ở góc độ quốc tế, sự tham dự của các vị như là một chứng minh để tiếp tục khẳng định chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan mà tất cả các quốc gia đều phải hướng đến, chứ không phải là một yêu cầu có tính chất bắt buộc ở một đơn vị, đất nước nào.
“Tôi hy vọng, từ các ý kiến trình bày của diễn giả, từ góc độ tiếp cận khoa học cũng như thực tiễn, những trao đổi có tính chất định hướng của các chính khách, các Bộ, ngành, các nước bạn đã mang lại nhiều bài học quý để chúng ta có sự vững tin trong vấn đề chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng kỹ thuật số trong toàn ngành. Gala Đêm Việt Nam, hoạt động mở đầu tại ITE HCMC 2023 được khắc họa bằng hình ảnh nghệ thuật về hình dáng Việt Nam và văn hóa Việt Nam, cho thấy du lịch chúng ta muốn phát triển phải dựa trên trụ cột, tài nguyên chính là văn hóa Việt. Nền tảng đó cần phải được làm phong phú, khai thác và sử dụng chiều sâu văn hóa này. Cùng với đó là đổi mới, tìm ra sản phẩm riêng biệt, khác biệt, có tính đặc trưng tiêu biểu và ứng dụng chuyển đổi số để du lịch chúng ta đáp ứng được sự mong đợi của du khách, khẳng định được vị trí và thương hiệu của du lịch Việt Nam trong bản đồ du lịch thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngày 7.9, ITE HCMC 2023 với chủ đề “Liên kết, phát triển, bền vững” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, sự kiện do Bộ VHTTDL và UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức thường niên, trở thành sự kiện du lịch quốc tế có uy tín của Việt Nam và khu vực hạ nguồn sông Mekong. Dự lễ khai mạc có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Sok Soken; lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào, Tổng cục Du lịch Thái Lan... cùng với sự tham dự của khoảng 3.500 đại biểu đến từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ… |
THÙY TRANG - HOÀNG HẢI; ảnh: NAM NGUYỄN