Bức tranh tươi sáng của ngành Du lịch 6 tháng đầu năm 2024
VHO - Ngày 8.7, đúng vào dịp kỷ niệm 64 năm ngày thành lập ngành Du lịch (9.7.1960- 9.7.2024), Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; các Phó cục trưởng: Hà Văn Siêu, Phạm Văn Thuỷ; lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, người lao động của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam…
Nhiều điểm nhấn về xúc tiến, quảng bá du lịch
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, từ đầu năm 2024, ngành Du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng kinh thế toàn cầu; xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn; cạnh tranh giữa các điểm đến trong cùng khu vực ngày càng gay gắt…
Ở trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ VHTTDL; sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương; sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
“Với tinh thần “tăng tốc, sáng tạo, về đích”, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động tham mưu nhiều giải pháp, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và đạt được những kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2024”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Trong đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã bám sát các nhiệm vụ về quản lý nhà nước, chú trọng công tác xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước. Cục đã tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 15.1.2024 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới; Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Quyết định số 335/QĐ-TTg ngày 24.4.2024 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13.6.2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thống kê, rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh (Công văn 1028/CDLQGVN-VP).
Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành các Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Kế hoạch truyền thông, quảng bá Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”; Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Triển khai hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”; Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch….
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2024, ngành Du lịch đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỉ đồng.
“Trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên tục được tổ chức ở trong và ngoài nước. Hoạt động du lịch sôi động ở khắp nơi trên cả nước, thu được những kết quả ấn tượng”. ông Nguyễn Trùng Khánh nói. Ngay từ đầu năm, ngành Du lịch đã tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex 2024 tại Lào; Phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 và Hội thảo khoa học Quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác xúc tiến du lịch năm 2024; Triển khai một số nội dung thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024.
Tham dự Phiên họp nhóm công tác trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và phục vụ Lãnh đạo Bộ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC tại Peru.
Bên cạnh đó, Cục đã tổ chức Hội nghị cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp du lịch Việt Nam - Australia tại Australia; Tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường Đức - Pháp - Ý; Tổ chức Lễ hội Xúc tiến du lịch và Hợp tác văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc, ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến du lịch Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2025- 2026 với Tổng cục Du lịch Hàn Quốc; Tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Nga trong khuôn khổ những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga trong khuôn khổ những ngày Việt Nam tại Nga,…
Hoạt động du lịch sôi động khắp cả nước
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động du lịch diễn ra nhộn nhịp tại hầu khắp các địa phương trọng điểm du lịch trên cả nước. Nhiều địa phương đã triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”, tổ chức các hoạt động kích cầu thu hút du khách, giới thiệu các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sạch sẽ, văn minh cho hoạt động du lịch …
Công tác chỉ đạo, định hướng các địa phương triển khai các mô hình liên kết và đảm bảo chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch đã được triển khai hiệu quả. Với định hướng của Cục DLQGVN và sự chủ động của các địa phương cùng đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong cao điểm nghỉ Tết 2024; nghỉ lễ 30.4 và 1.5 và mùa du lịch hè 2024.
Theo báo cáo Phó cục trưởng Hà Văn Siêu trình bày tại Hội nghị, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động trao đổi, đề nghị Tổ chức Du lịch Liên Hiệp quốc (UN Tourism) đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế về Du lịch Nông thôn của UN Tourism vào cuối năm 2024 tại Việt Nam.
Hiện nay, Cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ kế hoạch tổ chức sự kiện này. Hội nghị sẽ không chỉ là sự kiện thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm và uy tín của Việt Nam trong các tổ chức du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của UN Tourism.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, đối với du lịch Việt Nam, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh, tạo ra động lực lớn để thu hút khách du lịch quốc tế. Nhiều khả năng ngành Du lịch sẽ đạt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay. Thị trường khách du lịch nội địa vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại, xu hướng du lịch tự túc tiếp tục thể hiện rõ nét hơn.
Cục đã đề ra nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm, trong đó, nhóm các nhiệm vụ xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước sẽ trình Bộ trưởng ban hành 3 Thông tư quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành.
Trình Lãnh đạo Bộ ban hành Phương án tổng thể điều tra tài nguyên du lịch; trình phê duyệt đề án Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Lào.
Triển khai xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhóm các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP, Chỉ thị 08/CT-TTg, Công điện 06/CĐ-TTg như: Xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025; Định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu; Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Cục sẽ tham mưu Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch đẩy mạnh khai thác du lịch bằng đường biển, đường bộ; Xây dựng chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch theo cách làm mới, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nhanh, toàn diện và bền vững.
Rà soát thống nhất, hoàn thiện các chỉ tiêu, phương pháp thống kê du lịch đảm bảo đầy đủ, khoa học, chính xác, phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy nhanh việc áp dụng và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để triển khai hiệu quả, toàn diện phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.
Phối hợp với tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Du lịch Nông thôn của UN Tourism. Tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thi hành Luật Du lịch 2017 và Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tham mưu tổ chức Phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch năm 2024.
Về các nhiệm vụ truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch, phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao trong khuôn khổ Hội chợ ITE HCMC 2024; tham dự các Hội chợ: ASEAN-Trung Quốc, WTM 2024 tại Anh, CITM Trung Quốc 2024; tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường: ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc; Chương trình xúc tiến Du lịch - Điện ảnh tại Hòa Kỳ.
Tham mưu bổ nhiệm Đại sứ Du lịch tại một số thị trường trọng điểm; tổ chức đón 10 đoàn famtrip đến từ các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Australia, châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ….
Những con số biết nói
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá cao sự chủ động và những nỗ lực của ngành Du lịch trong 6 tháng qua. Thứ trưởng cho rằng, những kết quả có được nửa đầu năm nay của ngành Du lịch thể hiện điểm sáng trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với ngành Du lịch. Các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, phong phú, toàn diện trên khắp cả nước với nhiều chủ trương, kế kế hoạch lớn.
“Những con số mà ngành Du lịch thu được về lượng khách, tổng thu từ du lịch như đã nêu ở trên là các con số biết nói. Chất lượng của sản phẩm du lịch, dịch vụ, điểm đến du lịch chắc chắn cũng đã tăng so với năm trước với bằng chứng là Việt Nam đoạt rất nhiều giải thưởng du lịch; nhiều trang web hàng đầu về du lịch trên thế giới cũng đã xếp hạng điểm đến Việt Nam trong các top điểm đến hàng đầu châu Á và thế giới”, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định và nêu dẫn chứng.
Thứ trưởng cho rằng, việc các hoạt động du lịch đang hướng về cơ sở đã thắt chặt hơn mối quan hệ giữa địa phương và Bộ VHTTDL; đưa những hoạt động đó đi vào thực chất, có ích hơn cho địa phương và ngành; để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sự chung tay của các ngành, các cấp, các địa phương.
Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, trong điều kiện trong nước còn nhiều khó khăn và quốc tế có những biến động khó lường, ngành Du lịch cần phải “đi bằng hai chân”, đặc biệt là trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Vừa làm tốt công tác tham mưu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; vừa tích cực trong vai trò là nhạc trưởng xúc tiến du lịch quốc gia.
* Thứ trưởng Hồ An Phong chúc mừng các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động đã và đang công tác trong ngành Du lịch Việt Nam nhân kỷ niệm 64 năm thành lập ngành. Chúc mừng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng mong rằng, với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực và sáng tạo, ngành Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, nắm bắt thời cơ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và kỳ vọng của nhân dân.
* Theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hà Nội ước đón và phục vụ 14,05 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỉ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thanh Hóa: ước đón và phục vụ 9,78 triệu lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 261.000 lượt khách, tăng 21,3%; tổng thu du lịch ước đạt 19.848,5 tỉ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ninh Bình: đón và phục vụ 6,28 triệu lượt khách, tăng 38% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt trên 700 nghìn lượt; tổng thu ước đạt hơn 5.936 tỉ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Khánh Hòa: tổng lượt khách lưu trú ước đạt gần 5,2 triệu lượt, tăng 88% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 3,2 so với cùng kỳ; Tổng thu du lịch ước đạt hơn 26.072 tỉ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2023.
Nghệ An: ước đón và phục vụ 5,48 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó khách lưu trú đạt 3,42 triệu lượt; khách quốc tế đạt 48.200 lượt, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt 16.611 tỉ đồng.