Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tăng cường liên kết vùng để tạo sản phẩm hấp dẫn

VHO - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để du lịch Hà Nội phát triển đột phá trong tương lai, thành phố cần đổi mới dựa trên những dư địa đang phát triển, làm mới các sản phẩm hiện đang khai thác. Đồng thời, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường liên kết vùng để tạo những tour, tuyến du lịch hấp dẫn; tiên phong trong việc chuyển đổi số du lịch; phát huy vai trò là trung tâm du lịch, giữ vai trò điều tiết khách và kết nối giữa các địa phương trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tăng cường liên kết vùng để tạo sản phẩm hấp dẫn - Anh 1

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng cờ thi đua của Bộ VHTTDL cho Sở Du lịch Hà Nội

 Đặt mục tiêu đón 27 triệu lượt khách

Năm 2023, du lịch Hà Nội khởi sắc khi hoàn thành các chỉ tiêu, ghi tên trong nhiều giải thưởng du lịch uy tín. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội năm vừa qua đạt 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,2% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với kế hoạch). Trong đó, Hà Nội đón 4,72 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,8 lần so với năm 2022 và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt 93,41 nghìn tỉ đồng, tăng 142,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019).

Năm 2024, thành phố phấn đấu đón khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023. Trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế (3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 103.740 tỉ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023. Bên cạnh đó, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả, là trung tâm đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

Hà Nội sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, các quốc gia Halal (theo đạo Hồi), Nam Mỹ, Australia… để phục hồi nhanh hơn thị trường nội địa. Tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tăng cường liên kết vùng để tạo sản phẩm hấp dẫn - Anh 2

 Du khách tham quan Nhà tù Hỏa Lò

Đổi mới cách làm

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, mọi vấn đề cần được chứng minh bằng hiệu quả và những con số. Ngành du lịch Hà Nội cần chuyển từ định tính sang định lượng, xác định những đóng góp của ngành đối với nền kinh tế. Đồng thời, có sự đổi mới từ cách làm sản phẩm du lịch. “Muốn phát triển du lịch, đòi hỏi phải có sự đổi mới, sáng tạo trong cách làm sản phẩm. Hà Nội cũng đang đi đầu trong vấn đề đổi mới, làm ra các sản phẩm du lịch dựa trên trụ cột tài nguyên văn hóa, trên dư địa còn có thể phát triển chứ không phải chỉ từ những thứ sẵn có. Bạn bè quốc tế, du khách trong nước rất ngỡ ngàng vì những tour, tuyến, điểm tham quan vốn rất quen thuộc vẫn đầy sức hút với du khách như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hành trình về kinh đô người Việt cổ, Giải mã Hoàng thành Thăng Long… Chính những sản phẩm đó làm nên thương hiệu của du lịch Hà Nội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Bộ trưởng cũng gợi ý, các thế mạnh, sự kiện về thể thao - văn hóa, việc tổ chức các sự kiện quốc tế ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung cũng là lợi thế để chúng ta phát triển du lịch MICE. Thực tiễn cũng đã chứng minh, càng các sự kiện quy mô, càng dễ trở thành điểm đến của du khách, kích cầu du lịch. Với vai trò là điểm đến trung tâm, điểm phân phối, điều tiết khách, liên kết các địa phương, kết nối tour tuyến… trên tinh thần “Hà Nội vì du lịch cả nước, du lịch cả nước vì Hà Nội”. Từ đó, Hà Nội sẽ hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, tour, tuyến mới lạ, hấp dẫn; khai thác hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục đi tiên phong trong số hóa, chuyển đổi số trong du lịch, tạo thuận lợi thu hút khách đến Thủ đô.

Năm 2024, du lịch Hà Nội cũng đã xác định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể, các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng ý với kế hoạch và mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Hà Nội cần tìm ra những yếu tố, nội dung chung nhất để tạo hiệu ứng trong xã hội, có ý nghĩa hiệu triệu, huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện. Ví dụ lấy chủ đề “Nụ cười Hà Nội” để tạo sức mạnh phát triển du lịch từ cộng đồng. Khi đó, người dân sẽ là sứ giả du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch, kết nối du lịch, toả sáng nụ cười Hà Nội…

Theo Bộ trưởng, bắt đầu từ những công việc hằng ngày để tạo ra dấu ấn của du lịch Hà Nội: Nụ cười trong chính sách. Khi có chính sách đúng, chúng ta sẽ thu hút nguồn lực trong xã hội. Du lịch là do người dân làm, doanh nghiệp làm, nhà nước chỉ đóng vai trò bệ đỡ. Vì thế, chính sách cần phải thông thoáng, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp làm du lịch. Hà Nội hãy chọn những việc nhỏ nhất để tạo ra những sự thay đổi lớn. Mặc dù là địa phương dẫn đầu cả nước trong phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú… nhưng chúng ta cũng cần nghĩ tới những dư địa khác để phát triển như du lịch đường sông. Và nếu có một cú hích về chính sách, du lịch Hà Nội sẽ có những bước phát triển mới. Từ khóa “chính sách”, theo Bộ trưởng rất cần cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, những sản phẩm mang tinh hoa của Hà Nội cũng cần được đẩy mạnh và là một trong những giải pháp trọng tâm của Thủ đô trong năm 2024 để phát triển du lịch. Đó có thể là việc xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn để kéo khách ra khu vực ngoại thành, phát triển đồng đều trong toàn thành phố, khai thác nhiều hơn các yếu tố bản địa, bắt đầu từ sản phẩm văn hóa để hình thành các sản phẩm du lịch Hà Nội đặc trưng, tinh tuý. Cũng có thể tập trung vào loại hình du lịch MICE, du lịch khám chữa bệnh dựa trên những lợi thế đặc biệt của Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Du lịch và các Sở, ngành liên quan cần tích hợp quy hoạch các khu, cụm du lịch trọng điểm gắn với Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; thúc đẩy triển khai xây dựng các dự án vui chơi, giải trí lớn phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố; nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Các đơn vị xây dựng, triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đặc trưng của thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang dấu ấn thương hiệu du lịch Thủ đô...

 NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc