Bảo tồn lễ hội gắn với phát triển du lịch

VHO- Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai các hoạt động bảo tồn các lễ hội, phục dựng, truyền dạy văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịch.

Bảo tồn lễ hội gắn với phát triển du lịch - Anh 1

 Sôi nổi phần thi gói bánh tại Ngày hội văn hóa dân tộc Tày huyện Ba Chẽ

Nhắc đến các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh không thể không nhắc đến một số lễ hội ở huyện Bình Liêu, đây là địa phương có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chính bởi lẽ này Bình Liêu trở thành mảnh đất của các hội và lễ hội đặc sắc diễn ra suốt bốn mùa như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng cọ, hội Kiêng gió, hội Mùa vàng, hội hoa sở... Còn ở huyện Ba Chẽ, cùng với lễ hội Bàn Vương của người Dao được duy trì tổ chức hằng năm, giữa tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên huyện Ba Chẽ tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Tày thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Cùng với Bình Liêu, Ba Chẽ, các địa phương có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái đều tích cực phục dựng, bảo tồn, tổ chức các hoạt động lễ hội, ngày hội gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân phục vụ phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn).

MINH HOÀNG

Ý kiến bạn đọc