Đà Nẵng sôi động lễ hội mừng năm mới:
Bài 2: Rộn rã khí thế doanh nghiệp
VHO - Nhìn nhận không khí sôi nổi của các hoạt động đón Giáng sinh và năm mới 2025 diễn ra tại địa bàn Đà Nẵng, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, mọi khí thế ấy chủ yếu nhờ cộng đồng các doanh nghiệp ngành du lịch, với tinh thần cố gắng vượt lên khó khăn.
Theo bà Hạnh, tính từ năm 2019 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng nói riêng, đã phải đối mặt rất nhiều áp lực, cùng những đòi hỏi phải không ngừng thay đổi, tiến lên đáp ứng tốt hơn mọi nhu cầu của khách hàng.
Tìm kiếm sản phẩm mới, tinh tế đặc sắc hơn, tổ chức những quy trình đầu tư, hoạt động mới là những nỗ lực mà các doanh nghiệp đã làm và Sở Du lịch Đà Nẵng là một nhân tố hỗ trợ.
Sôi nổi năm mới, lời hứa đồng hành
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, dịp Giáng sinh và năm mới 2025, khắp địa bàn Đà Nẵng liên tục diễn ra những sự kiện, chương trình chào đón sôi nổi đầy hấp dẫn. Tinh thần này tiếp nối những năm trước, bởi Đà Nẵng với định vị mũi nhọn kinh tế du lịch luôn vận động, chọn thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để “định vị thương hiệu hình ảnh Đà Nẵng, thành phố của sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.
Theo đó, chào đón năm mới 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Đà Nẵng có các hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật phục vụ người dân và du khách ở cấp thành phố và cơ sở với quy mô và hình thức đa dạng, trải đều, mang lại không khí tươi vui cho mọi người.
Đơn cử như Lễ hội đón Noel - Chào năm mới 2025, Lễ hội Countdown Chào mừng năm mới 2025, Không gian mỹ thuật “Hành trình thời gian”, chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ, triển lãm chủ đề “Mùa xuân và con giáp”, các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật “Vũ điệu sông Hàn”, phiên chợ ngày Tết Hòa Vang, lễ hội Tết Việt với các lễ hội truyền thống Cầu ngư Nam Ô, Đình làng Túy Loan, đình làng Thạc Gián…
Thông điệp của ngành văn hóa, du lịch Đà Nẵng qua những hoạt động này, là “góp phần nâng cao hình ảnh điểm đến Đà Nẵng “thân thiện, mến khách”, thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm cùng cuộc sống con người và mảnh đất sông Hàn”.
Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, tất cả không khí tươi vui rộn rã đó, đều không tách rời khỏi cộng đồng doanh nghiệp địa phương, những đơn vị luôn đồng hành, gắn bó với sự phát triển văn hóa, du lịch Đà Nẵng. Hơn 9 năm đã qua, chính sự dốc sức đầu tư, cam kết gắn bó của các doanh nghiệp đã thúc đẩy và vun đắp thành công cho kinh tế du lịch địa phương phát triển.
Do đó, nhìn nhận những kết quả đạt được, ngành du lịch Đà Nẵng không thể không có lời tri ân, tôn vinh những thương hiệu doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã và đang tích cực triển khai các dự án, chương trình ở địa bàn.
Thậm chí một số tập đoàn, thương hiệu lớn, với trách nhiệm gắn bó với Đà Nẵng nhiều năm qua, đã thực sự là “cánh tay nâng đỡ” cho hoạt động du lịch địa phương chuyển biến, phát triển mạnh mẽ hơn. Chính những lời hứa đồng hành bền vững đó, đã tạo động lực để Đà Nẵng thay đổi và một diện mạo du lịch địa phương được củng cố tốt hơn mỗi ngày.
Cam kết một con đường
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, các thương hiệu doanh nghiệp du lịch, đầu tư văn hóa uy tín chính là tài sản quý của Đà Nẵng hôm nay. Là người đã nhiều năm đảm trách vị trí tham mưu xúc tiến du lịch địa phương, bà Hoài An cảm nhận sâu sắc từng giai đoạn chuyển biến và phát triển của các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, cũng là từng dấu mốc ghi nhận Đà Nẵng “thay da đổi thịt”.
Đơn cử thương hiệu khu nghỉ dưỡng khách sạn Bắc Mỹ An (Furama Resort), đơn vị đầu tư du lịch có nguồn vốn FDI đầu tiên ở Đà Nẵng, đến nay hơn 30 năm hoạt động đã để lại một dấu ấn khó phai nhạt trong lịch trình đô thị hóa Đà Nẵng.
Những câu chuyện doanh nghiệp cùng địa phương cải thiện bờ cát phía đông Sơn Trà, cùng lên kế hoạch xây dựng đề án Hành trình Di sản miền Trung; rồi ở mỗi chặng gian nan, khủng hoảng kinh tế 1997, 2014, dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp tiên phong cơ cấu, giúp đào tạo, tư vấn đội ngũ nhân lực cho du lịch địa phương… luôn là những kỷ niệm hợp tác sâu sắc mà một đơn vị đầu tư có tâm có tầm thể hiện với ngành văn hóa, du lịch Đà Nẵng.
Một tên tuổi khác không thể không nhắc đến, là Sun Group với dấu ấn khởi động đầu tư vào Đà Nẵng ở giai đoạn khó khăn nhất, chấp nhận đối đầu thách thức, vận động đầu tư khu danh thắng Bà Nà – Núi Chúa. Từ dự án mở đường cáp treo, tái lập không gian “đô thị nghỉ dưỡng trên núi” với sắc thái châu Âu đầy sáng tạo, doanh nghiệp này đã mạnh dạn mở thêm các dự án khác, ngày càng gắn bó sâu sắc với Đà Nẵng.
Một khu vui chơi văn hóa Công viên châu Á, không gian giải trí cho giới trẻ Helio Center, đến một không gian văn hóa ẩm thực và trình diễn cộng đồng Đà Nẵng Downtown hiện nay, là cả một quá trình vận động, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo không ngừng…
“Ngành du lịch Đà Nẵng luôn ghi nhận, lưu nhớ những giá trị tinh thần, đầu tư phát triển ấy của các doanh nghiệp, như Furama, Sun Group, Vin Group, những tập đoàn DHC, BGR, những công ty Vitour, Vitraco, Hải Vân Cát… và thật nhiều tên tuổi đã đi cùng những sự cố thăng trầm với thành phố này. Trách nhiệm của chúng tôi là luôn sẵn sàng hỗ trợ, lắng nghe những chia sẻ, đồng cảm những khó khăn, dốc sức giúp đỡ mọi cơ hội để các doanh nghiệp phát triển”, bà Trương Thị Hồng Hạnh khẳng định.
Bà Hạnh nhìn nhận thêm, nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp, với chuỗi các sự kiện hấp dẫn, tập trung đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, tài hoa, chắc chắn không gian lễ hội năm mới 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ khó mà đạt được quy mô khang trang lịch thiệp. Hợp tác này của các doanh nghiệp với ngành văn hóa, du lịch kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới ấn tượng hơn cùng năm 2025.