Vì sao ngộ độc khi uống nhầm rượu xoa bóp?
VHO - Mới đây, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân vô tình uống phải chai rượu ngâm củ ấu tầu dùng để xoa bóp.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân là nam, 54 tuổi (trú tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều, tê bì toàn thân.
Được biết trước vào viện khoảng 3 giờ người bệnh vô tình uống nhầm khoảng 50ml rượu ngâm củ ấu tầu của gia đình dùng để xoa bóp.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh có tình trạng ngộ độc cấp tính, trên nền người bệnh tiền sử nghiện rượu, suy thận cấp. Người bệnh nhanh chóng được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Nội để điều trị.
Sau hơn 2 ngày chăm sóc và điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh tốt, các chỉ số xét nghiệm ổn định, người bệnh được chuyển về khoa Nội tiêu hóa để điều trị.
Mặc dù củ ấu tầu đã được cảnh báo về độc tính nguy hiểm khi chế biến, sử dụng sai cách, nhưng nhiều người dân vẫn còn chủ quan dẫn đến ngộ độc khi sử dụng loại củ này.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cũng tiếp nhận bệnh nhân B.V.B (54 tuổi, Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng tê bì miệng và tay chân, buồn nôn, choáng váng chỉ sau 15 phút ăn và uống nước luộc củ ấu tàu.
Tại đây, ekip bác sĩ kiểm tra mạch, huyết áp, nhận thấy mạch quay bắt yếu, mạch chậm, huyết áp tụt, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân đã lập tức được xử trí hồi sức dịch đảm bảo khối lượng tuần hoàn, uống thuốc kiểm soát nhịp tim, rửa dạ dày loại bỏ độc chất, than hoạt, nhuận tràng, bài niệu tích cực và theo dõi sát các rối loạn nhịp tim tại phòng cấp cứu.
Trực tiếp xử trí ca bệnh, ThS.BS Phạm Duy Hưng - Phó Khoa Nội, Chuyên khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: “Củ ấu tầu là loài thực vật chứa độc tính rất mạnh, có thể gây tử vong dù chỉ với một hàm lượng nhỏ. Ngộ độc củ ấu tầu nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim nặng, suy hô hấp, suy thận, suy gan và hậu quả nặng nề nhất là tử vong”.
Theo các tài liệu dược học, củ ấu tầu (còn có tên gọi là gấu tàu, thảo ô...) là rễ củ của cây ô đầu. Cây thường mọc hoang ở tỉnh vùng núi cao, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A do có chứa độc tính aconitin.
Tuy nhiên, nếu được bào chế đúng cách sẽ trở thành một vị thuốc quý trong y học cổ truyền, dùng làm rượu thuốc để xoa bóp, chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi xương khớp. Quá trình sử dụng cần có chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc.
Ngoài ra, không ít người dân sử dụng củ ấu tầu như một loại đặc sản, bài thuốc quý để chế biến món ăn (nấu cháo, hầm canh...), hoặc ngâm rượu uống đã gặp phải tình trạng ngộ độc nguy hiểm.
Tuy nhiên, củ ấu tầu cũng có thể gây ngộ độc, nguy hiểm cho sức khỏe. Các biến chứng do ngộ độc củ ấu tầu gây ra gồm suy hô hấp, suy thận, suy gan, loạn nhịp tim, co cứng cơ tim và liệt hô hấp dẫn đến tử vong.
ThS.BS Phạm Duy Hưng đưa ra cảnh báo: “Ngộ độc aconitin diễn ra rất nhanh. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài phút hoặc vài giờ sau khi uống phải dịch chiết của cây ô đầu hay ăn phải rễ, lá cây này. Với liều 1mg có thể gây ngộ độc nặng, liều 2 - 3mg đủ để gây tử vong một người trưởng thành”.
“Củ ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý chế biến làm thức ăn, ngâm rượu để uống nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Đối với các loại rượu ngâm ấu tầu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, để xa tầm tay trẻ em, tránh nhầm lẫn khi sử dụng”, bác sĩ khuyến cáo.
Người ăn, uống củ ấu tầu có thể xảy ra tử vong sau 6 giờ kể từ khi aconitin thâm nhập vào cơ thể. Nếu sống sót sau 24 giờ, tiên lượng thường tốt vì khi đó độc tố bị chuyển hóa và thải ra ngoài.
Nếu sau khi ăn củ ấu tầu và xuất hiện các triệu chứng tê miệng, lưỡi, tay chân, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó thở, co giật, tim đập nhanh, mất cảm giác toàn cơ thể… rất có thể bạn đã bị nhiễm độc tố. Lúc này cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tuyệt đối không ở nhà tự theo dõi, điều trị theo các biện pháp dân gian.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đồng thời, không nên uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Hãy luôn thận trọng trong việc ăn, uống, tránh ăn nhầm, uống nhầm các loại thực phẩm, đồ uống nguy hại.