Dai dẳng mối lo ngộ độc thực phẩm
VHO - Thông tin từ Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2024, số ca mắc ngộ độc thực phẩm tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có những vụ ngộ độc lên tới vài trăm người. Đáng lo ngại là có vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), chỉ qua 2 vụ kiểm tra hồi giữa tháng 8, lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã bắt giữ 1,9 tấn chân gà không rõ nguồn gốc đang được vận chuyển đi tiêu thụ. Cả 2 vụ đều ở huyện Phong Thổ. Vụ thứ nhất, chân gà đã qua chế biến đựng trong 30 bao tải dứa, phủ bạt nhằm ngụy trang. Trọng lượng 930 kg. Vụ thứ hai, gần 1 tấn chân gà đã qua chế biến đựng trong 36 bao tải dứa, chảy nước và bốc mùi hôi thối. Đây quả là một mối lo dai dẳng về mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho rất nhiều người.
Trung bình 100 vụ ngộ độc thực phẩm 1 năm
Trong khi đó, thông tin tại cuộc họp lần 2 của Nhóm Công tác ATTP Việt Nam về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người, ông Lưu Đức Dụ (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho biết, so với nửa đầu năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024 chỉ nhiều hơn 6% (4 vụ), tuy nhiên số người mắc ngộ độc thực phẩm tăng hơn 300%.
Cụ thể, số ca mắc đã tăng từ 956 lên 2.942 ca (tăng 307,7%). Đặc biệt, có 9 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất làm 926 người mắc, tăng 807 trường hợp so với cùng kỳ 2023. Đại diện Cục ATTP cho rằng, một số doanh nghiệp áp dụng định mức khẩu phần ăn cho người lao động thấp, dẫn đến việc sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không đảm bảo an toàn (bữa ăn của công nhân từ 22.000 - 25.000 đồng/ suất). Đồng thời, nhận thức và ý thức của một số người dân về đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt. Còn theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), các yếu tố gây mất ATTP (bao gồm yếu tố vi sinh) có thể xuất hiện ở bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Theo đó, cần tăng cường kiểm soát, điều tra xác định tác nhân cụ thể và công đoạn cụ thể, từ con người, môi trường, dụng cụ chế biến, công tác bảo quản, đến các yếu tố phát sinh sau chế biến.
Về vấn đề này, TS Fred Unger, Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) tại Việt Nam chia sẻ, ngành chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng, cung cấp 60% thịt lợn cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống ở Việt Nam. Vì thế, cần cải thiện chuỗi giá trị thịt lợn truyền thống cũng như các chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật khác. Mục tiêu là giúp cho các chuỗi này trở nên an toàn hơn, tuy nhiên không gây bất lợi cho sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi và nông dân cũng như đảm bảo người tiêu dùng được hưởng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật an toàn. Trước thực tế nhiều ẩn họa, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho rằng phải truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm mới cảnh báo diện rộng được. Trong khi vẫn có vụ không truy xuất được (vụ ngộ độc ở Khánh Hòa được cho là từ quán cơm gà).
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, 5 năm trở lại đây trung bình mỗi năm ghi nhận 100 vụ ngộ độc thực phẩm. 6 tháng đầu năm 2024 số vụ có giảm nhưng số người mắc tăng và đều là những vụ lớn, vài trăm người mắc một vụ. Vụ lớn nhất xảy ra tại Vĩnh Phúc hôm 14.5 với 438 người mắc. Bức xúc, ông Tuyên nói rằng không nghe những câu trả lời chung chung mà yêu cầu Sở Y tế và các Sở, ngành chức năng phải làm rõ về giải pháp. “Địa phương đã tổ chức kiểm tra liên ngành, đã kiểm tra thức ăn đường phố tư nhân, có tuyên truyền phổ biến cho người tiêu dùng và người sản xuất kinh doanh thực phẩm? Người đứng đầu địa phương để xảy ra ngộ độc phải chịu trách nhiệm, không để xảy ra ngộ độc rồi mới chống”, ông Tuyên nói.
Cần tăng chế tài xử phạt
Năm 2024 là 12 năm Luật ATTP được ban hành và đi vào thực thi, bên cạnh đó còn có nghị định 15 và thông tư của các Bộ, ngành cùng tham gia quản lý thực phẩm. Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra và lo ngại nhất là ở các khu công nghiệp đông người. Việc cung cấp suất ăn cho trường học vẫn có vấn đề. Các bữa cỗ kể cả ở thành thị lẫn nông thôn cũng vẫn đọng lại nỗi lo âu về ngộ độc thực phẩm.
Trong khi đó, các loại thực phẩm kém vệ sinh đã ôi thiu, mốc hỏng, trái cây lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất tẩm ướp... vẫn được tiêu thụ trên thị trường, nhất là ở các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ “chồm hổm”... Cùng đó, nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, còn gọi là “thực phẩm bẩn” tuồn vào chợ đầu mối rồi đưa đến các cơ sở chế biến, để “phù phép” thành những món ăn rẻ, lại hợp khẩu vị. Giới chuyên gia y tế cho biết, thực phẩm kém vệ sinh là một trong những nguyên nhân chính gây ra những tác hại kinh hoàng. Không chỉ là ngộ độc cấp tính có thể chết người ngay, mà sự nhiễm các chất độc hại dưới ngưỡng, theo thời gian có thể gây ra các loại bệnh không biết trước, như ung thư, rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, kể cả quái thai...
Mất ATTP có nhiều nguyên nhân: Chồng chéo trong quản lý nhà nước; địa phương thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát; người chăn nuôi, trồng trọt sử dụng chất tăng trọng, tăng trưởng không được phép; người kinh doanh buôn bán, chế biến hám lợi và cuối cùng là người sử dụng thiếu thận trọng (tuy rằng điều đó là rất khó). Được biết, hiện có tới 3 ngành gồm Y tế, Công thương, NN&PTNT cùng tham gia quản lý lĩnh vực thực phẩm, mỗi Bộ, ngành một số mặt hàng. Chính vì vậy mà có sự chồng chéo, đan xen giữa các nhóm hàng, khi có sự cố chưa rõ trách nhiệm nên quản lý thiếu hiệu quả. Như vậy, nếu để bảo đảm thực phẩm an toàn, cần xây dựng được “chuỗi”; mất an toàn dẫn đến ngộ độc thực phẩm trên thực tế cũng đã hình thành “chuỗi”.
Chúng ta đã có nhiều quy định để bảo đảm ATTP như Luật ATTP và các nghị định, chỉ thị của Chính phủ trong quản lý ATTP. Gần đây là Chỉ thị 17 ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Tuy nhiên, nói như LS Trương Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội), chất lượng thực phẩm không đảm bảo thường chưa gây hậu quả chết người ngay, nhưng hóa chất, tạp chất bẩn sẽ ngấm từ từ và gây hậu quả về sau, sức khỏe bị ảnh hưởng dần theo năm tháng. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh pháp luật để áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp, gián tiếp tham gia chuỗi hành vi nói trên là thực sự cần thiết. Nhân đây cũng cần lưu ý, Điều 6 Luật ATTP đã quy định rõ về xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, đối với cá nhân và tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường (phạt tiền) và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Với Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì tội vi phạm quy định về ATTP được chia làm 4 khung hình phạt, với mức độ tương xứng. Nặng nhất, truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
Hoàn thiện thể chế về ATTP theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không nói chung chung
Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm (ATTP) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng ban Chỉ đạo. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, không chỉ đối với lĩnh vực liên quan đến Ban Chỉ đạo mà cả trong hoạt động thực thi của các Bộ, ban, ngành, cơ quan.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Nguy cơ mất ATTP vẫn hiện hữu. Trong đó có những vấn đề nổi lên là ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng… Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu của xã hội ngày càng cao nhưng còn khoảng cách lớn giữa nguồn lực và khả năng đáp ứng của chúng ta đối với công tác này. Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về ATTP, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung. Giải pháp phải khả thi.
P.V