Tuyên Quang: Xem xét trách nhiệm lãnh đạo xã, phường nếu để xảy ra vứt xác lợn, sản phẩm từ lợn ra môi trường

VHO - Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang đang quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dịch, không để dịch bùng phát, lây lan diện rộng.

Lực lượng chức năng xã Hàm Yên đưa lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy.
Lực lượng chức năng xã Hàm Yên đưa lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy

Trong đó, tỉnh Tuyên Quang giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các trường hợp mua, bán lợn trong vùng có dịch, vứt xác lợn và các sản phẩm từ lợn ra môi trường làm lây lan dịch bệnh...

Theo đó, đối với các xã, phường chưa xảy ra dịch bệnh cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chỉ đạo phòng chuyên môn, nhân viên chăn nuôi, thú y cấp xã chủ động giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm. Kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm, bảo đảm đúng quy định khi dịch bệnh mới phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh; bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh…

Đối với các xã đang xảy ra dịch bệnh cần khẩn trương khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Chủ động sử dụng kinh phí, vật tư, trang thiết bị tại chỗ để tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh, khống chế và dập tắt ổ dịch trong thời gian nhanh nhất. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp xuống kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các thôn, bản để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, thành lập tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi cấp xã, các thành viên trong tổ phải bám nắm địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không đúng quy định, vứt xác lợn, các sản phẩm từ lợn ra môi trường…

Đặc biệt, xã nào để xảy ra các trường hợp mua, bán lợn trong vùng có dịch; vứt xác lợn và các sản phẩm từ lợn ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch còn lơ là để dịch bệnh lây lan kéo dài thì đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, các Sở, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch vào địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh động vật tại các xã, phường, tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có những giải pháp chỉ đạo kịp thời…

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 20.7, dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng ra 215 hộ ở 111 thôn của 33 xã, tổng số lợn chết và buộc tiêu huỷ lên tới 2.064 con, với tổng khối lượng tiêu hủy hơn 117 tấn…

Theo Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc