Rác thải gây áp lực lên mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn

VHO - Kinh tế tuần hoàn đang trở thành yêu cầu tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, hướng tới sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, rác thải từ sinh hoạt và công nghiệp đang là rào cản lớn, cản trở quá trình hiện thực hóa mô hình này.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 67.000 tấn rác thải sinh hoạt. Phần lớn trong số này vẫn đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp, vừa tiêu tốn quỹ đất, vừa gây ô nhiễm môi trường, đi ngược hoàn toàn với nguyên lý tái tạo, tuần hoàn trong nền kinh tế hiện đại.

Ngoài ra, ước tính mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 7–8 triệu tấn rác thải công nghiệp, tạo thêm áp lực lớn lên hệ thống xử lý chất thải hiện nay.

Rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp là một trong những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.
Rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp là một trong những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Theo TS. Nguyễn Đình Trọng - Tập đoàn T-TECH Việt Nam việc triển khai các dự án xử lý rác hiện nay còn nhiều rào cản, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư, ứng dụng công nghệ và nhân rộng mô hình.

Bên cạnh đó, một điểm nghẽn lớn là thể chế và chính sách còn thiếu linh hoạt. Cụ thể, quy trình đấu thầu, phê duyệt dự án còn cứng nhắc, trong khi lại thiếu cơ chế thử nghiệm (pilot) dành cho các công nghệ mới. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nội địa khó tiếp cận nếu chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án quy mô lớn tương tự.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Trọng, tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam rất lớn khi dân số gần 100 triệu người và các mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải được Chính phủ xác định là ưu tiên hàng đầu.

Trong đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành về phát triển kinh tế tư nhân, đây là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Một trong những nội dung then chốt của Nghị quyết là phát triển tín dụng xanh, khuyến khích tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tuần hoàn và áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình mà còn nâng cao uy tín, tiếp cận thị trường toàn cầu.

Từ thực tiễn này, TS. Nguyễn Đình Trọng kiến nghị cần sớm áp dụng cơ chế “giao nhiệm vụ – đặt hàng” đối với doanh nghiệp trong nước theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, cần miễn tiền sử dụng đất và mở rộng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành nhằm thu hút thêm nguồn lực cho lĩnh vực xử lý rác và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách được xem là bước đi cần thiết. Theo đó, các mô hình tiên phong cần được triển khai thực tế, đánh giá hiệu quả cụ thể trước khi nhân rộng. Đây không chỉ là giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới mà còn là đòn bẩy quan trọng để Việt Nam tiến nhanh hơn trên lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo PHÚC ÂN/Báo Công Luận

Link bài viết gốc