Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho bà con vùng cao:
Trao sinh kế, tạo động lực
VHO - Các chương trình tín dụng chính sách đã thổi một “luồng sinh khí” mới vào đời sống đồng bào miền núi, đặc biệt là tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Tại đây, không ít gia đình đã khởi nghiệp thành công nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tạo nguồn sinh kế bền vững
Theo chân cán bộ xã Mường Lống, chúng tôi đến thăm gia đình chị Vừ Y No, sinh năm 1994, hiện sống tại bản Mường Lống 1, người đã khởi nghiệp thành công từ mô hình “chăn nuôi gà đen kết hợp kinh doanh và phát triển du lịch”. Chị No không chỉ thay đổi cuộc sống gia đình mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ thanh niên 9X.
Năm 2020, chị No vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) số tiền 100 triệu đồng từ nguồn tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ số vốn này, gia đình chị đã mua 100 con giống gà đen bản địa, trang bị máy ấp trứng, máy phát điện và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen an toàn sinh học. Cùng với đó, chị còn sử dụng phần vốn dư để mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bản.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại địa phương, năm 2021, vợ chồng chị Y No đã sửa sang lại căn nhà và mở thêm dịch vụ homestay phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngôi nhà của chị từ đó trở nên sôi động và trở thành điểm đến hút khách, với các sản phẩm ẩm thực đặc sắc từ gà đen. Những điệu múa, tiếng khèn, hát cự xia, trường ca của người Mông đã trở thành “đặc sản tinh thần” hấp dẫn du khách gần xa.
Bằng sự nỗ lực, năng động, sáng tạo, chăm chỉ và cần cù, chị Y No đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Đến cuối năm 2024, chị đã trả hết nợ ngân hàng, thoát khỏi hộ cận nghèo và vươn lên thành hộ khá, có thu nhập hơn 200 triệu đồng/ năm. Chị chia sẻ: “Khi mới lập gia đình, vợ chồng mình thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là nguồn vốn để gây dựng sinh kế. Thông qua Tổ Tiết kiệm & vay vốn của bản, mình biết đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ khoản vay 100 triệu đồng từ NHCSXH, vợ chồng mình đã thực hiện được ước mơ xây dựng trang trại gà đen bản địa và phát triển du lịch”.
Nguồn vốn vay ưu đãi đã mở ra cơ hội quý giá cho những người trẻ, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ khởi nghiệp và phát triển sinh kế bền vững. Tại xã Bảo Thắng, anh Cụt Văn Phanh (dân tộc Khơ Mú, sinh năm 1984, ở bản Ca Da), là một minh chứng điển hình. Trước đây, như bao thanh niên trong bản, anh từng đi tới các tỉnh phía Nam làm công nhân tại khu công nghiệp. Vào năm 2021, sau thời gian dài nghỉ việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, anh trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng và ba đứa con sống chật vật trong căn lều tranh tre tạm bợ, nằm chênh vênh bên sườn núi.
Được sự quan tâm và hướng dẫn tận tình của chính quyền địa phương, cán bộ ngân hàng và các đoàn thể xã, anh Phanh đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ nghèo của NHCSXH để mua một con trâu và một con bò sinh sản. Nhờ sử dụng đúng mục đích và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, cùng sự chăm chỉ và sáng tạo trong phát triển sinh kế, gia đình anh đã vươn lên ổn định kinh tế với 6 con bò, 7 con trâu, 10 con dê và 6 con lợn. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn trồng lúa, hoa màu, chuối để phục vụ sinh hoạt gia đình và chăn nuôi. Người dân bản Ca Da vui mừng khi thấy anh chị vừa hoàn thành ngôi nhà sàn 3 gian vững chắc, rộng rãi, thoáng mát, chấm dứt cảnh sống trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát trước đây.
Đến nay, anh Phanh đã trả hết nợ ngân hàng và chính thức thoát khỏi hộ nghèo. Anh vui mừng chia sẻ: “Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH như chiếc phao cứu sinh với gia đình tôi. Giờ đây chúng tôi đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, các cháu được học hành đầy đủ. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm và có những chính sách đúng đắn, trao cơ hội cho hộ nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.
Tiếp tục phát huy nguồn vốn hiệu quả
Các chương trình tín dụng chính sách không chỉ giúp người dân vượt qua khó khăn và gây dựng sinh kế, mà còn tạo cơ hội cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã bổ sung 3,4 tỉ đồng từ ngân sách địa phương vào NHCSXH. Đây là một nỗ lực lớn, thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy và chính quyền trong việc phát triển kinh tế.
Ngoài việc được cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, bà con còn được tư vấn, tham gia các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Việc lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho đồng bào các dân tộc ở huyện Kỳ Sơn tạo dựng sinh kế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 60,24% vào năm 2016 xuống còn 44,89% vào năm 2024. Kinh tế toàn huyện có nhiều khởi sắc, diện mạo bản làng vùng cao thay đổi tích cực. Huyện Kỳ Sơn đang trở thành điểm thu hút đầu tư, khởi nghiệp và là địa phương được đông du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, ông Vi Hòe cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được giám sát và quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và bà con đều trả nợ đúng quy định. Điều này góp phần thay đổi tư duy, trách nhiệm, nếp nghĩ của cán bộ và người dân trong công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia các chương trình tín dụng. Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ý chí tự lực tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.