Thừa Thiên Huế: 2 người thiệt mạng trong bão số 6
VHO - Theo ghi nhận ban đầu, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 2 người bị thiệt mạng trong bão số 6. Cùng với đó, 214 nhà dân và hàng chục công trình, trụ bị tốc mái, hư hại, tập trung nhiều ở huyện Phú Lộc.
Chiều ngày 27.10, các đơn vị vũ trang và lực lượng chức năng tại các địa phương ở Thừa Thiên Huế đang tiếp tục giúp người dân khắc phục, dọn dẹp sau bão số 6.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện di dời gần 2.500 hộ dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú bão, lụt an toàn. Có 70 người dân ở huyện Nam Đông đi vào rừng sản xuất, do gặp mưa to gió lớn nên không trở về, huyện đã liên lạc được nhóm người này và hiện đang an toàn.
Tại các khu vực ở huyện Phú Lộc, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Công an các địa phương đã tổ chức dọn dẹp cây xanh ngã đổ, phân luồng, đảm bảo an toan giao thông cho người đi đường và môi trường cảnh quan.
Thông tin từ xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cho biết, trên địa bàn đã có một nạn nhân bị đuối nước tử vong khi đi thả lưới bủa cá trong mưa bão. Các lực lượng chức năng đã tổ chức khoanh vùng tìm kiếm ở khu vực đầm gần chỗ ông Lê Phước T (44 tuổi) thả lưới và tìm thấy thi thể nạn nhân vào đầu giờ chiều cùng ngày.
Cùng với đó, khoảng 13 giờ ngày 27.10, trên tuyến đường qua xã Hương Phong, TP. Huế, một người đàn ông 52 tuổi di chuyển bằng xe máy đã không may bị nước cuốn trôi. Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể vào lúc 15 giờ 30 cùng ngày và bàn giao cho cho gia đình lo hậu sự.
Tại khu vực ven biển qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, TP. Huế tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Bão số 6 đã khiến triều cường dâng cao, tràn vào các tuyến đường nội bộ ở khu vực bãi tắm du lịch và các nhà hàng, nước chảy xiết.
Sau bão, hiện trường sạt lở nặng nề hơn, biển xâm thực gây hư hỏng, đổ sập tuyến đường nội bộ. Những đoạn bờ biển đã được rọ đá, đắp đất gia cố khẩn cấp do sạt lở ngày 21 và 22.10 cũng tiếp tục bị sóng đánh hư hại, tan hoang.
Ngoài ra, bờ biển qua xã Giang Hải và xã Vinh Hiền cũng bị nước biển dâng cao, tràn vào sâu trong khu vực nuôi trồng và sản xuất của người dân. Tại đây, biển đã xâm thực, xói lở chiều dài 500m. Vùng ven biển xã Phong Hải, huyện Phong Điền cũng bị xâm thực với chiều dài 1,3km, sâu 8m.
Chiều ngày 27.10, các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã mở cửa đón khách trở lại. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã huy động lực lượng dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo an toàn và cảnh quan khi du khách tham quan.
Mưa lớn từ tối 26.10 đến chiều 27.10 đã khiến một số địa phương xảy ra ngập lụt cục bộ, tập trung ở huyện Phú Lộc, các vùng ven TP. Huế, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền…
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ tối 27.10 đến 29.10, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn, với lượng mưa từ 100-220mm, có nơi trên 300mm.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân ở khu vực thấp trũng kê cao đồ đạc, các khu vực vùng ven đồi núi có nguy cơ cao về sạt trượt, lũ quét chú ý phòng tránh. Đặc biệt, nguy cơ cao ở các xã, thị trấn của huyện miền núi A Lưới, huyện Nam Đông, các xã Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân của huyện Phong Điền…