Gia cố nhà cửa, rọ đá, đắp đất khắc phục sạt lở bờ biển trước bão số 6

SƠN THÙY

VHO - Trong ngày 26.10, các địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động lực lượng giúp người dân giằng chống nhà cửa ứng phó bão số 6. Ngoài ra, hàng trăm chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cũng đội mưa rọ đá, đắp đất khẩn trương gia cố khu vực bờ biển bị sạt lở…

Gia cố nhà cửa, rọ đá, đắp đất khắc phục sạt lở bờ biển trước bão số 6 - ảnh 1
Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và đoàn công tác kiểm tra việc xử lý khẩn cấp khu vực bờ biển bị sạt lở qua xã Phú Thuận và phường Thuận An.

Tại khu vực ven biển đoạn giáp ranh giữa phường Thuận An (TP. Huế) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), hơn 200 người là các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An và Hải đội 2 - thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lực lượng dân quân tự vệ đã “đội mưa” khẩn trương rọ đá, đắp đất để gia cố khu vực bờ biển bị sạt lở.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đoạn ven biển các địa phương nói trên bị sạt lở gần với chiều dài gần 1.000m; trong đó khoảng 300m đoạn qua thôn Tân An, xã Phú Thuận bị sạt lở nghiêm trọng, xâm thực sâu gây hư hỏng, đổ sập vỉa hè và đường nội bộ qua bãi tắm Phú Thuận.

Đơn vị đã xuất 2.350 m2 vải lọc, 700m3 đá hộc để xử lý khẩn cấp, chống sạt lở ở khu vực nói trên. Ngoài ra, huyện Phú Vang và TP. Huế đã xuất 5.000 bao tải, 200 cừ tràm và huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia xử lý.

Trong ngày 26.10, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình phòng chống bão số 6 trên địa bàn huyện Phú Vang và công tác xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển tại xã Phú Thuận và phường Thuận An.

Gia cố nhà cửa, rọ đá, đắp đất khắc phục sạt lở bờ biển trước bão số 6 - ảnh 2
Sử dụng các bao cát để gia cố khẩn cấp sạt lở bờ biển phường Thuận An, TP. Huế và xã Phú Thuận, huyện Phú Vang

Ông Lê Trường Lưu đã động viên lực lượng đang thi công, đồng thời chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, vận động người dân cùng chung tay để nhanh chóng khắc phục các điểm bị sạt lở.

Đề nghị các địa phương tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực canh, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định; có phương án di dời người và tài sản của nhân dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm…

Tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, các cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây đã phối hợp với chính quyền địa phương giúp các hộ gia đình gia cố nhà cửa trước khi bão số 6 ảnh hưởng đến đất liền.

Lực lượng biên phòng cũng đã tuyên truyền ngư dân tuyệt đối không ở lại trên các lồng bè nuôi cá tại khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển và đầm phá, ở khu vực đê chắn sóng cảng Chân Mây.

Gia cố nhà cửa, rọ đá, đắp đất khắc phục sạt lở bờ biển trước bão số 6 - ảnh 3
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây giúp người dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc gia cố nhà cửa ứng phó bão số 6

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có 1.884 phương tiện với 10.685 lao động đã vào bờ và neo đậu an toàn, tránh trú bão số 6.

Hiện nay, mực nước các hồ thủy lợi, thuỷ điện lớn trên địa bàn tỉnh như: hồ Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền đang ở mức thấp, vận hành đảm bảo an toàn. Với dung tích phòng lũ hiện tại, các hồ có khả năng cắt lũ hoàn toàn với trận mưa từ 400-600mm/24h.

Qua rà soát của các địa phương, có gần 16.350 hộ dân với hơn 52.180 khẩu ở khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất, nước dâng... Tùy tình hình thực tiến diễn biến của bão, mưa lũ, sạt lở, các địa phương chủ động di dời dân cư đến các khu vực an toàn.

Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 6, từ đêm 26.10 đến ngày 29.10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 550mm. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà...

Đồng thời, mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn có nguy cơ gây ngập úng đô thị và những nơi có hệ thống thoát nước kém ở một số huyện, thị xã và TP. Huế.