Thanh niên Quảng Ngãi với khát vọng làm giàu
VHO - Phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi”, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu trên quê hương được đoàn viên thanh niên Quảng Ngãi nhiệt tình hưởng ứng.

Khởi nghiệp từ cà phê
Hiện tại, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xanh Coffee của anh Lê Văn Thương (32 tuổi), thôn Hiệp phổ Nam, xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành đã tạo việc làm trực tiếp cho 15 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 7 – 12 triệu đồng/người/tháng.
Anh Thương cho biết, yêu thích kinh doanh và mê cà phê nên anh quyết định dấn thân vào lĩnh vực vốn không phải là thế mạnh của mình.
Năm 2017, anh mở cửa hàng cà phê pha máy đầu tiên, nhưng thời điểm đó loại cà phê này còn khá mới mẻ và chưa được khách hàng tin dùng. Do vậy, chỉ sau 2 tháng, cửa hàng của anh phải dừng hoạt động vì vắng khách.
“Dù đã chuẩn bị tư tưởng kinh doanh có thể thất bại, nhưng tôi vẫn rất buồn vì mình đã bỏ ra tất cả công sức, nguồn vốn. Vấp ngã ấy khiến tôi tìm được câu trả lời dẫn đến thất bại của mình”, anh Thương nói.
Qua thời gian đi khắp nơi học cách rang xay, pha chế chuẩn vị, hợp tác với các vùng trồng nguyên liệu cà phê sạch. Đồng thời, mạnh dạn thay đổi phương thức kinh doanh mới theo mô hình xe cà phê rang máy trực tiếp.
Khách hàng có thể cảm nhận được sản phẩm cà phê sạch bằng các giác quan nghe, thấy, ngửi, nếm, qua đó tin tưởng và dần chuyển đổi “gu thưởng thức” sang sử dụng cà phê rang xay nguyên chất.
“Đầu năm 2018, tôi thay đổi phương thức kinh doanh mới với mô hình xe cà phê ép máy trực tiếp. Lợi thế của mô hình này là chi phí đầu tư thấp, thuận lợi di chuyển, không tốn chi phí thuê mặt bằng, mang lại lòng tin cho khách hàng khi được dùng sản phẩm sạch, nguyên chất”, anh Thương cho hay.

Sau nhiều năm hoạt động, tạo uy tín trên thị trường, hiện công ty của anh Thương đã nhượng quyền thương hiệu cho 300 đại lý trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, mỗi tháng, anh còn cung cấp cho thị trường hơn 2 tấn cà phê rang nguyên chất. Doanh thu bình quân mỗi năm đạt từ 4-5 tỷ đồng.
Dự án Xanh Coffee của anh đã đạt giải khuyến khích tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024” do Trung ương đoàn tổ chức. Sản phẩm của công ty đã đăng ký nhãn hiệu nhận diện tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP.
Anh Hồ Văn Thái, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành cho biết, trước đây anh từng là thợ xây, nhưng do sức khỏe không đảm bảo nên năm 2020 anh đã tìm đến anh Thương để học hỏi phương thức kinh doanh cà phê.
“Để kinh doanh xe cà phê này, tôi không chỉ được anh Thương hướng dẫn cách sử dụng máy ép cà phê mà còn được tư vấn cách phục vụ khách hàng. Nhờ đó, việc kinh doanh của tôi rất thuận lợi, mỗi ngày tôi bán được gần 200 ly cà phê, sau khi trừ chi phí tôi thu từ 400-500 nghìn đồng”, anh Thái chia sẻ.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Thương cho biết, ngoài việc mở rộng thị trường thì anh sẽ tập trung chăm sóc những khách hàng đã có và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, anh sẽ kết nối với các điểm du lịch cộng đồng ở địa phương để đưa khách đến tham quan và có những tìm hiểu, trải nghiệm ở xưởng rang, xay cà phê.
Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn
Anh Phạm Hùng Cường (36 tuổi), thôn Xuân Mỹ, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh đã khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp tuần hoàn gồm trồng dưa hấu, măng tây kết hợp chăn nuôi thỏ.
Anh Cường cho biết, vào năm 2018 anh bắt đầu triển khai mô hình, do chưa có kinh nghiệm, thời tiết bất lợi nên gặp không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí là thất bại.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi kiến thức, trải nghiệm thực tế, cùng sự kiên trì, chịu khó, đất đã không phụ công người, những mùa vụ sản xuất sau đó có nhiều khởi sắc.
Tín hiệu vui từ những sản phẩm sạch đầu tiên cho thu hoạch và xuất bán ra thị trường là động lực giúp các anh tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa với mục tiêu phát triển kinh tế, làm giàu từ nông nghiệp.
“Làm nông nghiệp đã khó thì làm nông nghiệp sạch còn khó hơn. Do đó, sau những lần thất bại tôi lại tự trấn an bản thân phải tiếp tục cố gắng vì thành công đang ở phía trước”, anh Cường thổ lộ.
Hiện anh Cường đang làm chủ trang trại chăn nuôi và trồng trọt với diện tích gần 17ha, trong đó chủ yếu là trồng dưa hấu sạch và chăn nuôi thỏ. Tất cả đều làm theo hướng cây trồng vật nuôi sạch.

Theo đó, phân thỏ sau khi được xử lý bằng vi sinh sẽ đem ra bón cho cây măng tây; đồng thời cây măng sau khi thu hoạch, một số đoạn trên thân cây măng tây và quả dưa hấu nhỏ sẽ được làm thức ăn cho thỏ.
Vòng tuần hoàn này đã bổ trợ cho nhau. Hiện sản phẩm măng tây, thịt thỏ, dưa hấu của anh Cường được tiêu thụ mạnh trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Từ mô hình trang trại tổng hợp, anh Cường tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên tại địa phương.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của anh cũng đã được vinh danh tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2019.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi Hồ Thị Thu Thanh cho biết, thời gian qua trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi có nhiều bạn trẻ dám nghĩ, dám làm trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế và đã thành công. Trong đó điển hình như anh Lê Văn Thương và anh Phạm Hùng Cường.
“Những thanh niên này đã trở thành điểm sáng trong phong trào lập nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, ngoài sản xuất, kinh doanh, họ còn rất năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động thiện nguyện tại địa phương.
Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để hỗ trợ các chính sách cũng như hướng dẫn các bạn trẻ khởi nghiệp, nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo”, chị Thanh nhấn mạnh.