Thanh Hóa: Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm
VHO- Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề “nóng” đang được cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Trong đó, thời gian tới, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm còn tràn lan, khó kiểm soát trên địa bàn.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trả lời chất vấn nhiều vấn đề “nóng”
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã đề cập nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch như việc đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.
Các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT làm rõ nguyên nhân và giải pháp để các địa phương nâng cao chất lượng toàn diện, giáo dục mũi nhọn; hiện chất lượng giáo dục giữa các huyện miền núi có sự chênh lệch cao so với các huyện miền xuôi, giải pháp nào để thu hẹp; làm rõ tình trạng giáo viên miền núi thuyên chuyển về miền xuôi gia tăng dẫn đến tình trạng thiếu - thừa giáo viên cục bộ; tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn tại các cấp học; tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhưng tỷ lệ thí sinh đạt điểm thi trung bình lại chưa có sự tương thích; vẫn còn nhiều trường khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên hợp đồng.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT đã trả lời làm rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, làm rõ nguyên nhân về tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhưng tỷ lệ thí sinh đạt điểm thi trung bình lại thấp hơn so với các địa phương trong cả nước, Giám đốc Sở GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận chất lượng giáo dục đại trà chưa có sự tương xứng do có những môn học như môn tiếng Anh của các em học còn hạn chế kéo theo điểm trung bình môn cón phần bị giảm.
Về vấn đề dạy thêm, học thêm còn tràn lan, khó kiểm soát, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức đã đưa ra một số giải pháp sẽ đề xuất và triển khai trong thời gian tới, trong đó trọng tâm sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này; đồng thời tăng cường nâng cao chất lượng học chính khoá để giảm bớt nhu cầu học thêm của phụ huynh học sinh; kiến nghị Bộ GD&ĐT để có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về công tác dạy thêm, học thêm sao cho phù hợp với các quy định.
Đối với vấn đề đẩy nhanh ứng dụng và triển khai công nghệ thông tin trong ngành giáo dục được thực hiện như thế nào, Giám đốc Sở GD&ĐT đã nhấn mạnh các giải pháp để đổi mới quản lý và dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó trọng tâm là sẽ xây dựng hạ tầng CNTT trong các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục, đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triển khai các nền tảng, ứng dụng dùng chung toàn ngành giáo dục. Hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng nền tảng thu thập, quản lý, khai thác sở dữ liệu (CSDL) ngành giáo dục dùng chung cho các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục đạt hiệu quả kịp thời, chính xác.
Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa chất vấn tại Kỳ họp
Đối với vấn đề về tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mũi nhọn thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT đã đưa ra một số giải pháp, đó là: Tham mưu kế hoạch tuyển dụng giáo viên chất lượng cao đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường THCS chất lượng cao, các trường THPT, đặc biệt là trường THPT chuyên Lam Sơn. Tham mưu xây dựng cơ chế và định hướng cho học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường đại học sư phạm về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lam Sơn. Chỉ đạo Trường THPT chuyên Lam Sơn xây dựng kế hoạch phối hợp với các trường chất lượng cao THCS cấp huyện nhằm phát hiện, tuyển chọn học sinh giỏi, học sinh năng khiếu ở các địa phương. Đổi mới công tác tuyển sinh vào trường THPT chuyên Lam Sơn; công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; đổi mới kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, kỳ thi chọn vào đội tuyển tham dự thi học sinh giỏi Quốc gia đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh.
Cũng tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho biết: Đến năm 2021 tổng số trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có 1.979 cơ sở (giảm 122 cơ sở so với năm 2015). Nhìn chung, mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đã được rà soát, sắp xếp lại đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện đã đầu tư và đưa vào hoạt động là 49 trường tư thục, quy mô 20.251 học sinh (chiếm tỷ lệ 2,34%).
Cơ sở vật các trường học đã được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia. Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh có tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bậc mầm non, phổ thông (tính đến tháng 9-2021) là 51.803 người, thiếu so với quy định. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao: Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi của các cấp học, bậc học đều tăng. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia trong 7 năm qua luôn đạt trên 92%. Số học sinh đạt tổng 27 điểm trở lên (thi đại học), số học sinh đạt điểm 10 và thủ khoa luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Kết quả kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia có chiều hướng tăng dần. Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia luôn ổn định về số lượng. Tỷ lệ học sinh đoạt giải luôn nằm trong tốp 10 đơn vị dẫn đầu trên toàn quốc; kết quả học sinh giỏi Quốc tế, Thanh Hóa là một trong số tỉnh có nhiều học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt trong những năm gần (từ năm 2016-2021 có 12 huy chương Olympic quốc tế và 4 huy chương Châu Á Thái Bình Dương).
NGUYỄN LINH