Nhà vệ sinh công cộng ở những quận nội thành Hà Nội:
Thà... “nín nhịn” còn hơn
VHO - Nhà vệ sinh công cộng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cần “giải quyết” của người dân và khách du lịch, góp phần giảm thiểu hình ảnh xấu xí, giữ gìn mỹ quan đô thị. Thế nhưng, nhà vệ sinh công cộng ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội đã, đang là nỗi ám ảnh hay sự “tra tấn” đối với người dân và du khách.
Ai đó đã từng nói, “tình trạng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) của đất nước là thước đo văn hóa của người dân”. Nếu điều này là đúng thì chắc hẳn chúng ta cần phải xem lại.
Muốn vào phải đeo ba, bốn khẩu trang
“Quá sợ”, “không thể chịu nổi”, “vào đó không khác gì chỗ tra tấn”, “ám ảnh quá”, “nhà vệ sinh mà không có chút vệ sinh”... là những từ mà chúng tôi đã ghi nhận từ người dân tản bộ cho đến du khách nước ngoài. Có vấn đề gì trong NVSCC ở một số quận nội thành Hà Nội đã khiến họ phải buông ra những nhận xét tiêu cực như vậy? Cuộc khảo sát bỏ túi của chúng tôi tại nhiều NVSCC khiến ai cũng phải... giật mình.
Theo thống kê sơ bộ hiện một số quận nội thành Hà Nội chỉ có hơn 400 NVSCC được chia thành nhà xây bằng gạch trước năm 1990, nhà vệ sinh vỏ thép được đầu tư giai đoạn 2003- 2010 và nhà vệ sinh do doanh nghiệp tham gia xã hội hóa từ năm 2017. Con số này được cho là quá khiêm tốn so với gần 8,6 triệu người trên địa bàn thành phố. Việc thiếu NVSCC thì đã rõ, nhưng thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa vì đang có rất nhiều NVSCC cộng suốt ngày đóng cửa, xuống cấp trầm trọng khiến cho người dân, du khách chối từ.
Khảo sát thực tế trên trục đường Láng từ vị trí nút giao Ngã Tư Sở cho tới Cầu Giấy có bốn NVSCC. Thực trạng đáng buồn là những NVSCC trên tuyến này đều bốc mùi hôi thối. Nếu can đảm bước vào, người dân và du khách phải đeo ít nhất ba, bốn khẩu trang. Thực tế này cho thấy nhiều NVSCC nơi đây gần như không được lau dọn, tẩy rửa, đáp ứng nhu cầu của người dân lẫn du khách. Đáng nói hơn, những cánh cửa nhà vệ sinh đã không thể đóng lại được, một số cửa đã hoen cũ theo thời gian bị gỉ sét khiến việc đóng cửa rất khó khăn. Theo bác Hồ Sỹ Lợi (62 tuổi, Hà Nội), người thường đi bộ quanh tuyến đường dành cho xe đạp cho biết, “không ít lần tôi rất muốn vào nhà vệ sinh để giải quyết nhu cầu cá nhân, nhưng ở bên trong rất ngột ngạt và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, có lần suýt nôn ói. Vào buổi tối lại càng không dám. Không biết ai quản lý mà để nhà vệ sinh xảy ra tình trạng như vậy”.
Những NVSCC trên đường Láng đang xuống cấp và ít người sử dụng chỉ là số nhỏ trong tổng số những nhà vệ sinh đã xuống cấp trầm trọng như ở khu vực Mễ Trì, Cầu Giấy và đặc biệt là Bến xe Mỹ Đình. Hằng ngày, nơi đây đón tới khoảng 22.000 người dân qua lại. Xung quanh bến xe với bán kính 50m chỉ tồn tại 5 NVSCC cũng đã xuống cấp, mùi hôi thối rất khó chịu; hệ thống đèn điện cho khu vực nhà vệ sinh nơi thì lờ mờ, nơi còn không có. Tường bao quanh đã có hiện tượng thấm dột. Một số nhà vệ sinh chỉ hoạt động được một nửa, còn lại khóa kín từ bao giờ. Trên một số tuyến đường như Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Tố Hữu... cũng có một vài NVSCC nhưng luôn ở tình trạng bị khóa cửa; hàng quán che chắn không lối vào. Mấy anh xe ôm công nghệ không còn cách nào khác cứ “giải quyết” ngay bên ngoài nhà vệ sinh.
“Tái lập” phố “Cam dai”
Đó là ở một số khu vực, tuyến phố, còn tại những địa điểm công viên có lượng người tập trung đi dạo, tập thể dục nhiều thì tình trạng còn tồi tệ hơn, gây nên nỗi ám ảnh đối với người dân, du khách gần xa. Tại khu vực Hồ Đắc Di có NVSCC mới được xây dựng nhưng khi mạnh dạn vào bên trong thì đồ đạc chất đống ngổn ngang, chắn ngay lối ra vào nhà vệ sinh nữ. Nguồn nước rửa tay không có.
Chịu chung cảnh ngộ, tại công viên Nghĩa Đô với một khu rộng lớn gần 42.000m2, được cho là một trong những khu vui chơi xanh của thành phố để người dân tập thể dục, trẻ em vui chơi thì chỉ có duy nhất một NVSCC, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, như cửa đã bị rơi gãy, bên trong nhiều thiết bị cũng bị mất. Chưa kể, đường điện ngay phía trên trần thòng xuống rất nguy hiểm đối với người qua lại. Đáng báo động nhất là phải nhắc tới NVSCC trong công viên hồ Thành Công. Có thể thấy đây giống ngôi nhà hoang hơn là nhà vệ sinh phục vụ cho mọi người dân vì toàn bộ tường gạch xung quanh đã nứt vỡ, nhiều cây mọc um tùm. Xung quanh nhà vệ sinh được tận dụng tập kết xe rác. Phía trong gần như đã bị bỏ quên một thời gian dài, nền gạch bị bong tróc, rêu mốc bám kín khắp nơi, các bồn cầu đầy chất xu uế lâu ngày. Ngay bồn rửa tay còn chật kín rác, bụi phủ kín bề mặt. Chị Nguyễn Thanh Hải (nhà ở khu G4 Thành Công) chia sẻ: “Mình thường xuyên đi lại, chạy bộ quanh khu vực hồ nên rất bức xúc. Thi thoảng có nhu cầu giải quyết nhưng nhà vệ sinh nơi đây quá tệ, không dám vào. Nếu bịt mũi bước vào thì chẳng khác gì bị tra tấn”.
Dẫn ra như vậy khiến chúng tôi nhớ đến cách đây mươi năm xuất hiện câu chuyện dở khóc dở cười: Một du khách sau khi trở về nước đã khuyên bạn mình rằng, đến Hà Nội phải ăn phở tại con phố có tên “Cam dai”. Người lái xích lô cứ gặng hỏi du khách, “có nhớ nhầm không, vì ở đây không có phố “Cam dai”. Hóa ra, ở một con phố nhỏ, người dân thấy cảnh tè bậy quá nhiều, nhắc nhở cũng không ăn thua nên đành viết lên tường: “Cấm đái”. Người du khách kia cứ bám lấy hai chữ này rồi phiên đi và kể lại cho người bạn của mình. Bởi vậy, nếu NVSCC ở Hà Nội không được cải thiện, đúng nghĩa nhà vệ sinh văn minh, lịch sự, làm hài lòng du khách và người dân thì việc tái lập phố “Cam dai” sẽ trở lại.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 25.8.2022, quy định hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt từ 150.000-250.000 đồng. Nhưng với NVSCC ở những quận nội thành Hà Nội như thế này thì tình trạng vi phạm sẽ không thể đếm xuể.