Tăng cường truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em

HOÀNG LÊ

VHO - Ngày 10.10 tại Bình Dương, Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) phối hợp với Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá (đơn vị Vận động Chính sách y tế toàn cầu) Hoa Kỳ (CTFK/GHAI) tổ chức Tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam cho phóng viên, báo chí.

Phát biểu khai mạc chương trình, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH Đặng Hoa Nam cho biết, số vụ việc đuối nước ở trẻ em có xu hướng giảm nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện triệt để.

Tăng cường truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em  - ảnh 1
Cục trưởng Đặng Hoa Nam đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Đặc biệt, truyền thông đóng vai trò định hướng, giải thích sâu sắc về bản chất vấn đề và cách thức để mọi người tham gia tích cực vào việc phòng, chống đuối nước.

Theo ông Đặng Hoa Nam, quá trình truyền thông dựa trên mức độ thay đổi của đối tượng từ quan tâm, tìm hiểu, trao đổi thông tin, thay đổi nhận thức, quan điểm,… tới thay đổi hành vi, duy trì hành động, có kỹ năng, qua đó, lan tỏa kiến thức, hành vi, hành động.

“Truyền thông báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông cần sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông để không chỉ đưa tin mà còn tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mọi người”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Tăng cường truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em  - ảnh 2
TS. Dương Khánh Vân đã có những chia sẻ thiết thực về thực trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay

Tại buổi Tập huấn, TS. Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: “Đuối nước là nguyên nhân gây ra trên 2,5 triệu ca tử vong có thế phòng ngừa được trong thập kỷ qua.

Trong đó, nam giới có nguy cơ bị đuối nước gấp 2 lần so với nữ giới và hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn”.

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Mỗi năm, gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Yếu tố nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em đó là trẻ chơi ở gần nước thiếu sự giám sát của người lớn và thiếu kỹ năng bơi, an toàn trong môi trường nước; do sử dụng phương tiện di chuyển đường thủy không an toàn hoặc quá đông mà không có phương tiện bảo hộ như phao, áo phao; thiên tai, thảm họa thiên nhiên.

Tăng cường truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em  - ảnh 3
ThS. Đoàn Thị Thu Huyền thông tin thêm trong buổi tập huấn

Về kết quả can thiệp từ Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, Giám đốc quốc gia, Tổ chức Campaign for Tobaco Free Kids ThS. Đoàn Thị Thu Huyền cho biết, đã có 2.250 cán bộ được tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống đuối nước trẻ em, 908 hướng dẫn viên được đào tạo về bơi an toàn.

Có 1.096 hướng dẫn viên được đào tạo về kỹ năng an toàn, 44.398 trẻ từ 6 -15 tuổi được học bơi an toàn, 52.250 trẻ từ 6 - 15 tuổi được học kỹ năng an toàn, 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em.

Tại chương trình, các phóng viên, nhà báo đã cùng xây dựng ý tưởng, thông điệp, câu chuyện truyền thông cho các bài viết về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Tăng cường truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em  - ảnh 4
Chuyên gia và các học viên tích cực thảo luận trong buổi tập huấn

Nhiều nội dung được đề cập, trong đó phân tích một trong các nguyên nhân hàng đầu gây đuối nước là do trẻ em chơi ở gần nước, thiếu sự giám sát của người lớn và thiếu kỹ năng bơi và an toàn trong môi trường nước. Sử dụng phương tiện di chuyển đường thủy không an toàn hoặc quá đông mà không có phương tiện bảo hộ.

Các bài tập nhóm sinh động, hấp dẫn gợi mở cho sự tập trung, tư duy sáng tạo và giúp học viên ghi nhớ sâu kiến thức, đồng thời tạo kết nối giữa chuyên gia, nhà báo và không khí sôi nổi cho buổi tập huấn.

Qua các hoạt động tập thể, nhấn mạnh thông điệp, câu chuyện truyền thông cho bài viết về phòng, chống đuối nước trẻ em Việt Nam.