Lòng yêu nước của người trẻ trong thời đại 4.0:

Sức mạnh vượt thời gian

THANH MAI - MỸ TRANG

VHO - Giữa bối cảnh toàn cầu hóa đang ngày càng mạnh mẽ, khi giới trẻ tiếp nhận và hòa nhập vào những trào lưu văn hóa mới, không ít người lo ngại rằng những giá trị cội nguồn sẽ dần phai mờ.

Sức mạnh vượt thời gian - ảnh 1
Một bạn trẻ tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tuy nhiên, lòng yêu nước của thế hệ trẻ chưa bao giờ mất đi. Nó vẫn tồn tại trong từng nhịp đập của con tim, lặng lẽ nhưng đầy mãnh liệt, chỉ chờ đợi một sự kiện, một lời kêu gọi để bùng lên thành ngọn lửa cháy rực…

Trong thời đại số, tình yêu đất nước không chỉ được thể hiện qua những hành động cụ thể mà còn qua sự kết nối mạnh mẽ của giới trẻ trên các nền tảng toàn cầu, khẳng định rằng niềm tự hào dân tộc vẫn luôn vững bền, vượt qua mọi thử thách của thời gian và không gian.

Lịch sử luôn chảy trong tim người trẻ

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, khi kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) đang đến gần, hình ảnh các bạn trẻ xếp hàng dài trước cổng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã khiến nhiều người cảm động.

Dù giữa nhịp sống hối hả của thời đại, họ vẫn quay về cội nguồn, mong muốn hiểu rõ hơn về những hy sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình hôm nay.

Tại TP.HCM, dòng người trẻ kéo đến Dinh Độc Lập ngày càng đông, mang theo sự tự hào và trái tim rực lửa yêu nước, khi bước qua cánh cổng lịch sử, nơi ghi dấu khoảnh khắc vĩ đại của dân tộc.

Trên các nền tảng mạng xã hội, hình ảnh những nhóm bạn trẻ cầm lá cờ đỏ sao vàng, mắt rưng rưng khi chạm vào những dấu tích xưa và lặng người trước những thước phim tư liệu về ngày thống nhất, đã làm rung động bao trái tim.

Có những người trẻ chưa từng trải qua chiến tranh, chưa từng nghe tiếng bom rơi, đạn nổ, nhưng họ vẫn cảm nhận sâu sắc những mất mát, hy sinh và những giá trị không thể đong đếm bằng lời.

Họ không đến chỉ để tham quan, mà để tưởng nhớ, tri ân và nhận thức rằng, tự do hôm nay là kết tinh của máu xương và ý chí kiên cường của các thế hệ đi trước.

Bạn Nguyễn Hương Giang (26 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Mình và cả gia đình đã đặt vé máy bay vào TP.HCM đúng dịp lễ 30.4 - 1.5. Mình muốn đứng trước Dinh Độc Lập, nơi chứng kiến thời khắc non sông nối liền một dải. Mình muốn cảm nhận không khí của ngày vui đại thắng, muốn được hòa vào dòng người đến đây để cùng tưởng nhớ và tự hào”.

Trước đây, lịch sử thường chỉ được khắc họa trong những trang sách giáo khoa hay những bài giảng trên lớp. Tuy nhiên, hôm nay, lịch sử đã bước ra khỏi khuôn khổ giáo điều và trở nên sống động, gần gũi hơn với thế hệ trẻ qua nhiều phương thức sáng tạo: Những thước phim chân thực, những bài viết sâu sắc trên mạng xã hội, hay các không gian tương tác số.

Bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là minh chứng rõ ràng cho xu hướng này. Ngay trong ngày đầu tiên công chiếu, phim đã tạo nên một “cơn sốt” với hơn 41.000 vé được bán ra, thu về 3,1 tỉ đồng tính đến 14 giờ ngày 2.4.2025.

Đây không chỉ là con số doanh thu ấn tượng mà còn là thể hiện sự quan tâm mãnh liệt của thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc.

Đau đáu khát vọng lưu giữ văn hóa

Kỷ nguyên 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đã mở ra vô vàn cơ hội nhưng cũng cuốn con người vào cơn lốc số hóa. Trong thế giới đó, những giá trị văn hóa xưa cũ tưởng chừng như sẽ bị lãng quên lại đang dần hồi sinh, nhờ vào những người trẻ tuổi dám “lội ngược dòng” để tìm về và bảo vệ những di sản vô giá của cha ông.

Họ đã dấn thân vào hành trình tái sinh những nét đẹp văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, một hành động vừa là niềm đam mê, vừa là sự gắn kết sâu sắc với văn hóa - lịch sử.

Lễ hội Việt phục “Bách hoa bộ hành”, nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội, đã thu hút gần 500 người trẻ tham gia, trở thành cuộc diễu hành cổ phục lớn nhất Việt Nam. Đó không chỉ là sự trở lại của “lụa là gấm vóc”, mà còn là sự hồi sinh mạnh mẽ của lòng tự hào dân tộc.

Không dừng lại ở trang phục, các không gian sáng tạo văn hóa cũng đang phát triển mạnh mẽ, trở thành nơi kết nối người trẻ với lịch sử theo cách thức rất riêng.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là không gian trải nghiệm tinh hoa Bắc Bộ Am Càkê, do chị Lily Hoàng (30 tuổi, Hà Nội) sáng lập. Mỗi góc nhỏ trong không gian này, từ gian bếp mộc mạc với bếp củi, chạn bát gỗ đến những công cụ lao động như dao, liềm đều khơi gợi hình ảnh thân thuộc của các gia đình nông thôn, nhắc nhớ một phần ký ức một thời gian khó.

Lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ còn được thể hiện qua các hoạt động văn hóa, luôn bùng lên mạnh mẽ mỗi khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Mới đây, sự kiện thương hiệu trà sữa Chagee bị phát hiện lồng ghép “đường lưỡi bò” phi pháp đã gây ra làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ cộng đồng, khi người tiêu dùng yêu cầu thương hiệu này phải rút lui.

Đây là một minh chứng rõ ràng rằng thế hệ trẻ hôm nay không chấp nhận bị thao túng văn hóa và sẽ không để bất kỳ ai xúc phạm đến chủ quyền dân tộc.

Không chỉ tìm về quá khứ, họ còn tiếp nối và sáng tạo, đưa những giá trị truyền thống vào tương lai. Những nền tảng như Vietales, do anh Nguyễn Thắng (Founder & CEO của Vietales - Chuyện người Việt kể, đồng sáng lập cộng đồng Việt sử liên minh) sáng lập, cùng cộng đồng đam mê nghiên cứu và phát triển văn hóa, đã biến những lát cắt lịch sử thành các sản phẩm giải trí sống động.

Lịch sử không còn nằm trên những trang sách khô khan mà được chuyển thể thành các sản phẩm giải trí hấp dẫn qua công nghệ, tạo hình sinh động, dễ tiếp cận.

Lòng yêu nước trong thời đại số không chỉ được thể hiện qua những hành động dũng cảm hay tiếng nói mạnh mẽ, mà còn qua những sáng tạo thiết thực, gần gũi.

Từ việc bảo vệ chủ quyền dân tộc đến việc đưa lịch sử sống động vào đời sống hiện đại, thế hệ trẻ đang góp phần quan trọng trong việc gìn giữ quá khứ và xây dựng tương lai.

Với niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, họ không ngừng sáng tạo và đổi mới, tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ, khẳng định vị thế của một thế hệ yêu nước trong kỷ nguyên 4.0.