Sự thật về lời đồn bác sĩ A.Yersin được “an táng nằm sấp”
VHO - Từ lâu, trong dân gian vẫn truyền tụng nhau, trước khi mất, bác sĩ A.Yersin có để lại di chúc với nguyện vọng “được chôn nằm sấp, hai tay dang ra để ôm trọn mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa vào lòng để bày tỏ tình yêu mãnh liệt, thiết tha ngay cả khi qua đời”.
Câu chuyện về di nguyện của bác sĩ lừng danh thế giới A.Yersin khiến nhiều người Nha Trang, du khách trong và nước ngoài rất xúc động khi mỗi lần đến viếng mộ ông. Tuy lời truyền là vậy, nhưng thực tế di chúc của bác sĩ A.Yersin để lại thì như thế nào?
Đi tìm lời lưu truyền
Bác sĩ A.Yersin là người Thụy Sỹ gốc Pháp. Ông sinh năm 1863 tại Thụy Sỹ và mất năm 1943 tại nhà riêng ở xóm Cồn, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ngoài y học, ông còn góp công lớn vào phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thám hiểm, khí tượng...
Tên ông được đặt cho những con đường, phố tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang... và nhiều địa phương khác trên cả nước. Quần thể mộ bác sĩ A.Yersin ở Suối Dầu cùng thư viện Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.
Mộ bác sĩ A.Yersin nằm trên ngọn đồi thoai thoải có tên đồi Núi Một, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Hiện nay, khu vực ngôi mộ bao gồm các hạng mục như cổng vào, ngôi mộ, ngôi thủ kỳ, bia đá ghi tóm tắt tiểu sử bằng hai ngôn ngữ Việt - Pháp.
Khuôn viên ngôi mộ được trồng nhiều loại cây khác nhau trong đó có cây quinquina (Canhkina), tên khoa học là Cinchona. Đây là loại cây được ông tìm ra dược liệu để điều trị bệnh sốt rét.
Năm 1990, khu mộ của bác sĩ A.Yersin cùng với Bảo tàng A.Yersin, chùa Linh Sơn Pháp Ấn (nguyên là nhà ở của A.Yersin tại Suối Dầu) đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Theo các vị cao niên trong vùng, các hạng mục tại khuôn viên mộ bác sĩ A.Yersin hiện nay đều không giữ được nguyên trạng như lúc mới an táng.
Ngôi mộ lúc đầu mang kiểu dáng áo quan, có chữ thập đặt lên trên. Đến sau 1975, mộ bị xuống cấp nặng nề nên đã được cải tạo lại như hiện nay. Riêng ngôi thủ kỳ cũng mới được xây dựng vào năm 1962, trong đó đặt bức ảnh chân dung ông và bát nhang nhỏ. Đến năm 1992, sau khi được công nhận di tích cấp quốc gia, một tấm bia đá tạc ghi công trạng của bác sĩ A.Yersin bằng song ngữ Việt - Pháp mới được đặt tại đây. Hiện nay, tour du lịch đã được nhiều công ty lữ hành thiết lập từ Nha Trang đến di tích mộ bác sĩ A.Yersin để đưa khách du lịch đến đây trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và thân thế, sự nghiệp của ông.
Và lời đồn di chúc của bác sĩ A.Yersin trước khi qua đời có nguyện vọng “được chôn nằm sấp, hai tay dang ra để ôm trọn mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa vào lòng, để bày tỏ tình yêu mãnh liệt, thiết tha ngay cả khi qua đời” đã trở thành tài liệu truyền miệng, được không ít hướng dẫn viên thuyết minh đến du khách.
Cần thông tin rộng rãi bản di chúc
Mới đây, Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với các Sở, ngành, phòng chuyên môn, UBND huyện Cam Lâm lấy ý kiến tôn tạo khu di tích mộ bác sĩ A.Yersin.
Tại buổi làm việc, phóng viên Văn Hóa có nêu câu hỏi, di chúc của bác sĩ A.Yersin trước khi qua đời có nguyện vọng được chôn nằm sấp, hai tay dang ra để ôm trọn mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa là đúng không?
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa khẳng định, không hề có di nguyện như vậy trong bản di chúc của bác sĩ A.Yersin.
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cung cấp cho phóng viên Văn Hóa bản di chúc của bác sĩ A.Yersin (bản sao đang được trưng bày tại Bảo tàng A.Yersin) có nội dung như sau: “Tôi lập di chúc để lại cho cháu trai của tôi là Adolphe Yersin, giáo viên tại trường cấp II Aubonne (làng Vaud, Thụy Sỹ) toàn bộ lợi tức và tiền trong tài khoản của tôi ở ngân hàng Gredit Lyonnais, phòng giao dịch A.O.2 đường Lecourbe, Paris (Tài khoản: 4156). Adolphe Yersin sẽ phân chia công bằng những khoản tiền này với các anh chị em của mình.
Tôi để lại cho Viện Pasteur Đông Dương, rồi Viện sẽ làm những gì cảm thấy thích hợp: Những ngôi nhà mà tôi cho xây dựng. Toàn bộ đồ đạc của tôi, tủ lạnh, máy thu vô tuyến, các máy ảnh.v.. Và bao gồm cả tủ sách của tôi.
Tất cả dụng cụ máy móc nghiên cứu khoa học, liên quan đến vật lý địa cầu, thiên văn học, khí tượng thủy văn… thì viện có thể tặng cho Đài Thiên văn Trung tâm quan sát Phù Liễn nếu không có ai ở Viện Pasteur đủ khả năng sử dụng chúng.
Tôi mong muốn những người An Nam từng phục vụ tôi, đã già và trung thành, hưởng những món tiền trợ cấp trọn đời từ tiền lãi một trái phiếu mà tôi đã mua cho mục đích này tại Ngân hàng Hongkong Shanghai ở Sài Gòn và do ông M.A Gallois ở Suối Dầu đứng tên.
Ông Jacotot sẽ phụ trách việc phân chia những món tiền này cho họ: Trước hết là Nuôi, Dũng, Xê, tiếp theo là Trịnh Chi, người làm vườn, rồi Dũ, người chăm sóc lũ chim, sau đó là Chút, một trong những người bồi trước đây của ông R.Gallois và tất cả những người sống quanh tôi mà ông Jacotot cho là xứng đáng được nhận tiền. Tôi mong được chôn cất đơn giản, không cầu kỳ, không điếu văn”.
Trong bản di chúc này còn có phần tái bút: “Tài khoản của tôi ở ngân hàng Hongkong Shanghai, và tiền trong két sắt của tôi khi đã trừ đi tất cả những khoản nợ của tôi, sẽ được thêm vào số tiền ở trên để đảm bảo cho thu nhập của những người An nam đã từng giúp việc cho tôi”, và đề: Nha Trang, ngày 9.9.1938. Trong sách A.Yersin, Người chiến thắng bệnh dịch hạch (tác giả Henri.H.Mollaret và Jacqueline Brossollet, xuất bản năm 1985), các tác giả cho biết, A.Yersin qua đời sáng 1.3.1943.
Sáng hôm sau, tất cả các viện sĩ của Viện Pasteur ở Nha Trang và Suối Dầu được gọi đến để nghe ông Henry Jacotot (Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang thời đó) đọc bản di chúc mà A.Yersin đã trao lại cho ông. Nội dung bản di chúc được trích dẫn giống như bản đang được trưng bày tại Bảo tàng A.Yersin.
Bên cạnh đó, hiện nay, Viện Pasteur Nha Trang còn lưu trữ được những ghi chép của ông R.Gallois (cộng sự lâu năm của A.Yersin, phụ trách trông coi trại chăn nuôi Suối Dầu) về đám tang của bác sĩ A.Yersin, cũng như di chúc của ông.
Theo ông Gallois, tang lễ của bác sĩ A.Yersin diễn ra vào lúc 8h30 sáng thứ Tư ngày 3.3 (1943) với sự tham gia của đại diện chính quyền, đại diện Viện Pasteur Paris cùng đông đảo bạn bè, người dân Nha Trang yêu mến ông. Khi ấy, Viện Pasteur Nha Trang đã chọn Suối Dầu làm nơi chôn cất bác sĩ A.Yersin theo đúng di nguyện của ông là “chôn cất đơn giản, không làm bất cứ nghi thức hay bài phát biểu nào”.