So sánh tiếp cận ngôn ngữ và văn hóa Việt – Nhật
VHO - Ngày 20.4, Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu khoa học sinh viên các trường giảng dạy tiếng Nhật khu vực phía Nam lần thứ nhất”, với chủ đề: Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, Văn hóa Nhật Bản và Văn hóa Việt Nam, dịch thuật tiếng Nhật.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu xây dựng một diễn đàn học thuật thiết thực và ý nghĩa, nơi sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật từ nhiều trường đại học trong khu vực phía Nam có dịp giao lưu, học hỏi và trình bày kết quả nghiên cứu của mình.
Thông qua các hoạt động thuyết trình, phản biện và trao đổi học thuật, sinh viên được mở rộng kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, tư duy phản biện và nâng cao hiểu biết về mối quan hệ văn hóa – ngôn ngữ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hội thảo còn đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác nghiên cứu, hướng đến sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam.
Tại hội thảo, 6 tham luận tiêu biểu đã được các nhóm sinh viên đến từ các trường đại học trong khu vực trình bày trực tiếp.
Các tham luận tập trung phân tích, so sánh những điểm tương đồng và khác biệt trong cách tiếp cận ngôn ngữ và văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản, thể hiện dưới nhiều góc nhìn đa dạng.
Với đề tài “Mỹ học về tự nhiên trong hoa văn trên Obi”, sinh viên Đỗ Trúc My - Trường ĐH Văn Lang - đã khai thác chiều sâu văn hóa truyền thống Nhật Bản thông qua hình ảnh hoa văn trên đai lưng kimono, từ đó đối chiếu với mỹ học phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.

Nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Luật TP.HCM mang đến tham luận “Giáo dục bắt buộc tại Nhật Bản: Hệ thống và đặc điểm ở Shibuya và Okinawa”.
Các sinh viên đã phân tích sự đa dạng trong giáo dục vùng miền tại Nhật và liên hệ với mô hình giáo dục tại Việt Nam để chỉ ra các yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến hệ thống giảng dạy.
Với chủ đề “Học tiếng Nhật thời 4.0: Kết hợp truyền thống và hiện đại”, các sinh viên Trường ĐH FPT Cần Thơ trình bày những sáng kiến trong việc học ngoại ngữ bằng công nghệ mới, kết hợp với giá trị truyền thống để tối ưu hóa việc tiếp cận ngôn ngữ Nhật.
Trong khi đó, nhóm sinh viên Huỳnh Bạch Phát Đạt, Đặng Thị Thu Hải, Nguyễn Thị Thùy Dương, Tô Quốc Minh Huân (Trường ĐH Mở TP.HCM) đã thực hiện đề tài “So sánh từ loại chỉ tính chất trong tiếng Việt và tiếng Nhật”.
Các bạn đã chỉ ra sự khác biệt trong ngữ pháp, cấu trúc và cách biểu đạt giữa hai ngôn ngữ, góp phần hỗ trợ người học hiểu rõ hơn về đặc trưng của từng hệ ngôn ngữ.
Tham luận “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc nhà mái tranh Kayabuki tại làng cổ Kayabuki no Sato, tỉnh Miyama, Nhật Bản – Nghiên cứu thực địa và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do sinh viên Trần Anh Thư (Trường ĐH Văn Lang) thực hiện, nhấn mạnh mối quan hệ giữa bảo tồn kiến trúc và gìn giữ bản sắc văn hóa trong bối cảnh hiện đại hóa.

Cuối cùng, với đề tài “Chính sách phát triển du lịch bền vững của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương – Cơ sở II tại TP.HCM, đã phân tích chính sách du lịch thân thiện với môi trường của Nhật Bản, từ đó đề xuất những hướng đi khả thi cho ngành du lịch Việt Nam.
Hội thảo khép lại trong không khí học thuật sôi nổi, ghi nhận nhiều ý tưởng nghiên cứu sáng tạo và thực tiễn.
Qua đó, không chỉ góp phần làm rõ các góc nhìn khác biệt và tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt – Nhật, mà còn mở ra nhiều triển vọng cho các hoạt động giao lưu học thuật và hợp tác nghiên cứu trong tương lai.