Số cơ sở vi phạm quy định đảm bảo an toàn thực phẩm bị xử phạt tăng 3 lần
VHO - Ngày 24.12 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả, thành tựu đạt được của ngành y tế trong năm 2024. Phó Thủ tướng đề nghị, trong năm 2025, ngành y tế cần tập trung xây dựng pháp luật, thể chế, hoạch định chính sách; ban hành kịp thời các văn bản tổ chức thực hiện các Luật, quy định đã được thông qua; thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2024, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao...
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 7 vụ, số mắc tăng 2677 người, số tử vong giảm 7 người.
Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc/vụ) là 29 vụ, khiến 4.049 người mắc và 2 người tử vong. Số vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ, vừa (dưới 30 người mắc/vụ) là 102 vụ, khiến 747 người mắc và 19 người tử vong.
Trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên (chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ); 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định nguyên nhân.
Trước tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố, Bộ Y tế tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, Công điện về tăng cường ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Với chức năng của mình, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 12/2024/TT-BYT ngày 18.7.2024 về giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thông tư số 15/2024/TT- BYT ngày 19.9.2024 ban hành Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Viêt Nam phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vì quản lý của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Thông tư số 33/2024/TT-BYT ngày 15.11.2024 cũng được ban hành, nhằm quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá...
Số tiền phạt cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm lên tới 33,5 tỉ đồng
Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương, một số Bộ ngành, nhất là Bộ Nội vụ để nghiên cảm đánh giá kết quả hoạt động, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm “theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương".
Trong năm 2024, hoạt động tuyên truyền giáo dục về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh. Tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, xử lý nghiêm các vị phạm.
Tính đến ngày 30.11, toàn ngành Y tế (tại Trung ương và địa phương) đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vì phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023),
Trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt: 33.534.861.080 đồng (số cơ sở phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần số tiền phạt năm 2023). Báo cáo giám sát của 40 cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố, tổng số mẫu giám sát 18.082 mẫu, không đạt 526 mẫu (2,9%). Theo số liệu báo cáo giám sát của 6 viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế tổng số mẫu giám sát là 387 mẫu, không đạt là 13 mẫu (3,3%).
Năm 2024, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ định 16 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước. Lũy tích tổng số cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước thuộc phá tích số cơ sở kiểm định là 40 cơ sở.
Liên quan đến danh mục hàng hóa thực phẩm phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, từ năm 2021 đến nay Bộ Y tế đã ban hành 2 Thông tư và cắt giảm trên 50% số dòng hàng phải kiểm tra nhà nước trước thông quan, góp phần thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm tối đa các chi phí liên quan của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.