Quảng Ngãi quan tâm phát triển giáo dục ở các huyện miền núi
VHO - Tỉnh Quảng Ngãi quan tâm đầu tư nguồn lực cho giáo dục ở miền núi, với mục tiêu nâng dần chất lượng giáo dục miền núi, bảo đảm quyền bình đẳng trong học tập cho học sinh.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Cùng với việc trang bị kiến thức, đảm bảo quyền bình đẳng trong học tập cho học sinh vùng DTTS, tỉnh còn ưu tiên nguồn lực để đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở miền núi.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là chính sách cử tuyển, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nội trú, bán trú, cấp gạo, miễn học phí nên các em học sinh trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã có điều kiện học tập tốt hơn, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đảm bảo sĩ số học sinh đến lớp.
Các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng đặc biệt khó khăn đã động viên kịp thời về vật chất, tinh thần, cải thiện cuộc sống ở vùng đặc biệt khó khăn để giáo viên yên tâm công tác, thu hút được nhiều người có trình độ chuyên môn tốt lên công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học. Chất lượng giáo dục của các trường Phổ thông cơ sở Dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên.
Đến nay, có 57,49% trường mầm non; 86,18% trường Tiểu học; 89,15% trường Trung học cơ sở; 36,54% trường Tiểu học - Trung học cơ sở và 69,23% trường Trung học phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia.
Riêng năm học 2024-2025, tỉnh Quảng Ngãi bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục cấp tỉnh 30 tỷ đồng để ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sửa chữa cơ sở vật chất 39 đơn vị trực thuộc. Đối với các huyện miền núi, hiện nay 100% trường Tiểu học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng mô hình về tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như: xây dựng thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện di động, góc tăng cường tiếng Việt...
Từ đó, tạo sân chơi, môi trường học tập lành mạnh, thân thiện phát huy được sự tự tin, tính sáng tạo của các em trong quá trình học tập, giúp các em từng bước tích lũy vốn tiếng Việt, rèn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống,... Hiện, 100% trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số đều học các lớp chuẩn bị tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1.