Quảng Ngãi: Đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào trường học
VHO - Thời gian qua, các trường học ở khu vực miền núi Quảng Ngãi đã kết hợp đưa nét đẹp văn hóa truyền thống lồng ghép vào tiết học, các hoạt động của nhà trường, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
CLB văn hóa dân gian là sân chơi cho nhiều học sinh người đồng bào DTTS tại huyện Sơn Tây
Hơn 2 năm qua, em Đinh Lâm Phong người dân tộc Ca Dong ở xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây cùng 9 người bạn tham gia vào đội nhạc cụ thuộc Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Sơn Tây. Phong là tay đánh chiêng trong đội, cứ đến cuối tuần em lại đến phòng truyền thống của trường để tập đánh chiêng cùng các bạn.
“Từ nhỏ em đã được nghe ông, cha em đánh những điệu chiêng hay của dân tộc mình. Vì thế, em rất vui và hạnh phúc khi được học đánh chiêng một cách bài bản, để có thể lưu giữ những giá trị văn hóa của người Ca Dong”, Phong bày tỏ.
Không chỉ Phong, các học sinh khác cũng được học các loại nhạc cụ của người Ca Dong như đàn Brook, đàn A Khung, tiêu, trống... cùng những làn điệu dân ca Ra nghế, Ca lêu, K’cheo...
Các em được học các loại nhạc cụ của người Ca Dong như đàn Brook, đàn A Khung, tiêu, trống
Được thành lập vào tháng 9.2021, CLB văn hóa dân gian đã trở thành sân chơi cho nhiều học sinh người đồng bào DTTS tại huyện Sơn Tây. Hằng năm, CLB đã phục dựng nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Ca Dong như Tết của người Ca Dong, lễ hội ăn lúa mới. Đây cũng là nơi lưu giữ, trưng bày các vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người Ca Dong.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho biết, trường thiết kế phòng trưng bày theo đúng nội dung sinh hoạt của CLB, có các trò chơi dân gian, nhạc cụ, trang phục, văn hóa dân tộc dân gian. Các em đến đây học tập, sinh hoạt, cùng bảo tồn phát huy giá trị đặc sắc của dân tộc Ca Dong.
“Bằng việc giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, các hoạt động của nhà trường, đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Qua đó, bồi đắp thêm tình yêu văn hóa dân tộc đối với các em học sinh ở chính môi trường nội trú”, thầy Lê Hoài Thạnh chia sẻ.
Học sinh vùng cao cùng bảo tồn phát huy giá trị đặc sắc của dân tộc
Còn đối với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học &THCS Trà Thủy, huyện Trà Bồng, vào cuối tuần thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa qua việc biểu diễn các tiết mục đánh chiêng, múa Cà Đáo, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cor cho học sinh. Tất cả thầy cô giáo và học sinh nhà trường mặc trang phục của dân tộc Cor. Các em học sinh cùng nhau biểu diễn các tiết mục đánh chiêng chào khách và tiễn khách hòa nhịp cùng các điệu múa. Em Hồ Thị Uyên Thùy, học sinh của trường hào hứng chia sẻ, em rất vui khi được tham gia hoạt động này, em muốn nhà trường sẽ phát huy, tổ chức nhiều hoạt động như vậy để bảo tồn văn hóa dân tộc.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Thủy cũng là ngôi trường đầu tiên của huyện Trà Bồng thành lập CLB văn hóa dân tộc Cor, với 30 thành viên gồm các em học sinh có niềm yêu thích, đam mê với văn hóa dân tộc và một số thầy cô giáo. Trong nhiều năm qua, nhà trường rất quan tâm tổ chức nhiều các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Cor cho học sinh, như tổ chức làm các loại bánh đặc trưng của người Cor mừng tết Ngã rạ, tổ chức đánh chiêng, thi các trò chơi dân gian...
Học sinh mặc trang phục giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS
Việc đưa văn hóa các dân tộc của tỉnh vào giảng dạy trong trường học là một trong những giải pháp nhằm thực hiện tốt dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai rộng rãi các mô hình bảo tồn này trong các nhà trường để các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một.
NHƯ ĐỒNG