Phường hết cách khi chợ 20 tỉ đồng phải “đắp chiếu”
VHO - Chợ dân sinh Quảng Thành (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa) được xây dựng trên khu đất “vàng” và hoàn thành với tổng số vốn đầu tư 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong suốt 5 năm qua, chợ vẫn đang bị bỏ hoang, không có tiểu thương nào vào bên trong để buôn bán, gây lãng phí tiền của và tài nguyên đất đai.
Được xây dựng trên khu đất “vàng” với tổng vốn lên đến hơn 20 tỉ đồng, mặt tiền hướng về phía Đông Bắc tiếp giáp với Đại lộ Võ Nguyên Giáp thuộc phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), song chợ Quảng Thành luôn trong tình trạng vắng như chùa Bà Đanh với nhiều hạng mục đã xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm.
Theo tìm hiểu, chợ Quảng Thành được UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty CP Xây dựng cầu đường 5 thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng chợ theo Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 2.5.2018. Theo đó, Công ty CP Xây dựng cầu đường 5 được thuê 8.877,3m2, thời gian thuê 50 năm. Quy mô dự án, xây dựng chợ hạng II với 380 điểm kinh doanh, bao gồm các hạng mục công trình như: Khu nhà chợ chính 1 tầng; nhà điều hành 3 tầng; các khu ki ốt và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác...
Năm 2019, khi chợ được xây dựng, người dân và chính quyền địa phương đã rất vui mừng, kỳ vọng rồi đây khu chợ khang trang sẽ không chỉ thu hút các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ lâu nay vẫn lê la vỉa hè vào kinh doanh có nề nếp, mà còn thu hút thêm các tiểu thương ở các xã lân cận như Quảng Minh, Quảng Cát, Quảng Định (huyện Quảng Xương) đến buôn bán. Khu chợ sẽ góp phần không nhỏ thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của một phường ven đô, vốn có nền kinh tế thuần nông. Tuy nhiên, trái ngược với mong muốn, sau 5 năm đi vào hoạt động, đến nay khu chợ rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, không có bóng bất kỳ gian hàng, tiểu thương nào…
Nhiều người dân địa phương cho biết, sở dĩ các tiểu thương lần lượt bỏ chợ là do vị trí quy hoạch khu chợ nằm cách với khu dân cư, trái với chiều di chuyển của công nhân tại Khu Công nghiệp Lễ Môn. Bên cạnh đó, từ lâu nay, người dân đã quen với việc mua bán tại các hàng quán, chợ cóc ven đường. Là tiểu thương từng vào chợ Quảng Thành buôn bán, anh Lê Văn Tiến (ở khu phố Thành Tráng, phường Quảng Thành) cho biết, sau khi đưa vào hoạt động, từng có thời điểm chợ rất đông đúc do được chính quyền vận động, tuyên truyền và cái chính là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để phòng chống dịch, mọi hoạt động mua bán được chuyển vào trong chợ. Tuy nhiên, khi Covid-19 được kiểm soát, người dân lại không vào chợ nữa. Chợ không có người mua khiến các tiểu thương dù đã thuê ki ốt cũng dần phải đóng cửa. “Không chỉ riêng tôi mà người dân trong phường vốn rất kỳ vọng chợ Quảng Thành sẽ hoạt động có hiệu quả. Việc này không chỉ giúp địa phương giải quyết việc làm cho người dân mà dịch vụ buôn bán nơi đây cũng sẽ phát triển. Tuy nhiên, không có tiểu thương hoạt động thì bà con dẫu có muốn vào chợ để mua bán cũng không thể. Chợ bỏ hoang không chỉ lãng phí về kinh phí đầu tư mà còn gây lãng phí tài nguyên đất đai của nhà nước”, anh Tiến nói.
Trao đổi với Văn Hóa, bà Đỗ Thị Trang, Chủ tịch UBND phường Quảng Thành cho biết, sau khi được xây dựng, UBND phường đặt niềm tin, sự kỳ vọng rất nhiều về dự án chợ Quảng Thành. Đây là ngôi chợ duy nhất mà địa phương kêu gọi thu hút được doanh nghiệp về đầu tư. Để chợ có thể đi vào hoạt động, UBND phường đã đưa ra nhiều giải pháp như dẹp bỏ chợ cóc; tuyên truyền, vận động nhân dân vào chợ mua bán... Thậm chí, ngày 7.10.2021, Đảng ủy phường đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 26-NQ/ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xóa bỏ các điểm kinh doanh chợ tự phát; vận động người dân tham gia kinh doanh mua, bán hàng tại chợ Quảng Thành. Nghị quyết ban hành là vậy, nhưng theo bà Trang, khi triển khai đã gặp khó khăn, đó là có thể dẹp bỏ những hộ dân buôn bán vỉa hè, lòng lề đường gây mất trật tự, nhưng đối với những hộ kinh doanh tại nhà của họ thì không có quyền cấm đoán.
“Dù chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp, nhưng đến nay chợ vẫn không có ai vào họp, buôn bán, xem như phường đã hết cách. Trước thực trạng trên, chúng tôi cũng đã kiến nghị chủ đầu tư sớm có giải pháp để giải quyết. Nếu có thể đưa chợ hoạt động trở lại thì phải có giải pháp nào khả dĩ hơn những gì phường đã làm. Hoặc có thể chuyển đổi mô hình đầu tư khác để tránh lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư... Tuy nhiên, ngay cả phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì cũng gần như là điều không thể vì vướng rất nhiều quy định, thủ tục pháp lý của nhà nước”, bà Trang cho hay.
Chợ là nhu cầu thiết yếu trong đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Song, quy hoạch ra sao, vận hành như thế nào để hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa, tránh tình trạng, công trình đầu tư tiền tỉ vẫn bỏ hoang, gây lãng phí, bức xúc cho người dân như chợ Quảng Thành hiện tại!