Phòng tránh đuối nước cho trẻ trong mùa mưa bão

THẢO LAM

VHO - Cơn bão số 3, số 4 đã qua đi nhưng nhiều khu vực vẫn còn ngập nước và nguy cơ trẻ bị đuối nước vẫn cao. Các chuyên gia đã có những lưu ý để bảo vệ an toàn cho trẻ…

Phòng tránh đuối nước cho trẻ trong mùa mưa bão - ảnh 1
Cựu VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên diễn tả quá trình nín thở tự nổi lên mặt nước

Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với Lào, Thái Lan và Myanmar bởi cơn bão Yagi.

Khoảng 3 triệu người bị thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh, trong đó có khoảng 2 triệu trẻ em không được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ tâm lý xã hội và dinh dưỡng học đường…

Bên cạnh đó là nguy cơ đuối nước, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ vẫn hiện hữu do thời tiết mưa nhiều và mực nước sông vẫn ở mức cao.

Các chuyên gia của UNICEF đề nghị phụ huynh cần giám sát chặt chẽ và nhắc nhở trẻ không chơi đùa, bơi lội trong nước lũ; cảnh báo không đi qua khu vực ngập nước hoặc nơi có dòng nước lũ chảy qua.

Cùng với đó, hướng dẫn trẻ tập luyện các phương pháp để giữ bình tĩnh như hít thở sâu, nín thở nếu chẳng may rơi xuống nước…

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), ngay cả khi trẻ ngồi trên xuồng, bè, mảng… vẫn có nguy cơ bị đuối nước.

Do đó, trẻ di chuyển trên các phương tiện này phải luôn mặc áo phao và cài khóa theo quy định. “Nếu thấy có nguy cơ đuối nước, trẻ hãy kêu cứu thật to, đồng thời bình tĩnh và cố gắng ngóc đầu lên, hít một hơi dài, nín thở, thả lỏng người, bơi xuôi theo dòng nước và hướng vào bờ, chú ý không quẫy đạp.

Nếu thấy người khác có nguy cơ đuối nước, hãy gọi thật to để người lớn tới giúp, tuyệt đối không nhảy xuống cứu bạn nếu không biết bơi hoặc bơi chưa giỏi, hãy tìm cách vứt dây, sào dài, vật nổi để bạn bị rơi xuống nước tóm lấy và kéo bạn lên bờ”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Dù không biết bơi nhưng cơ thể vẫn có thể nổi nếu chúng ta bình tĩnh. Anh Vũ Ngọc Chiến (33 tuổi, TP.HCM) chủ kênh YouTube chuyên dạy bơi đã chia sẻ bí quyết sống sót khi bị rơi xuống vùng nước sâu.

Anh cho biết, nếu ngậm chặt mồm, nín thở, chỉ vài giây sau cơ thể sẽ tự nổi lên, và chỉ cần ngửa cổ ra đằng sau, tiếp tục thở ra bằng mũi và hít vào bằng miệng, cố gắng nín thở để kéo dài thời gian chờ người tới cứu.

Trên trang Facebook cá nhân, cựu VĐV đội tuyển bơi lội quốc gia Nguyễn Thị Ánh Viên cũng hướng dẫn: Cơ thể như một chiếc phao, nếu đầy không khí thì nổi lên.

Do đó, nếu chẳng may bị rơi xuống nước, không nên vùng vẫy mà cần phải bình tĩnh, nín thở, thả lỏng người. Lúc này cơ thể như quả bóng có hơi sẽ từ từ nổi lên. Và khi nổi lên, ta lại tiếp tục lấy hơi cho những lần tiếp theo, làm vậy có thể kéo dài thời gian sinh tồn dưới nước…

Bên cạnh đó, các chuyên gia bơi lội cũng khuyến cáo phụ huynh cần trang bị kiến thức bơi lội, tránh đuối nước cho trẻ em. Những khu vực có nước ngập nên trang bị áo phao hoặc các thiết bị có thể làm phao như can nhựa, chai nhựa gắn vào nhau, hoặc sắm cho con balo đi học có thể nổi trên mặt nước, để khi gặp tình huống nguy cấp nó sẽ có tác dụng như chiếc phao cứu được tính mạng trẻ.