Tai nạn đuối nước ở trẻ em:

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

lNGUYỄN LINH

VHO - Mùa hè đến mang theo niềm vui cho con trẻ, nhưng đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước rất thương tâm. Đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh của mọi gia đình và toàn xã hội.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” - ảnh 1

Học sinh tham gia phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước tại Sầm Sơn (Thanh Hóa)

 Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước gây thương vong đặc biệt nghiêm trọng, nạn nhân đa phần là trẻ em. Các vụ việc đau lòng nói trên là hồi chuông cảnh báo ngành chức năng cần gấp rút triển khai các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước khi thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Tai nạn luôn rình rập trước mắt

Mỗi năm, nước ta có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn đuối nước. Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn, thương tích làm tử vong 20 trẻ. Hầu hết các vụ tai nạn đuối nước xảy ra là do thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn, trẻ nhỏ không được trang bị kỹ năng về bơi lội và phòng, chống đuối nước.

Gần nhất, vào ngày 22.6, tại bãi biển xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa xảy ra vụ đuối nước khiến 3 người tử vong. Cùng ngày này, tại xã Định Liên, huyện Yên Định cũng xảy ra vụ đuối nước làm hai mẹ con tử vong.

Trước đó, vào chiều 23.4, một nhóm học sinh rủ nhau ra khu vực đập Bái Thượng (xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân) vui chơi và tắm mát, không may cháu L.G.M (học sinh lớp 8, Trường THCS thị trấn Thường Xuân) bị đuối nước và tử vong. Tai nạn tương tự cũng xảy ra cách đó đúng 3 ngày, vào chiều 20.4, tại thị xã Nghi Sơn xảy ra liên tiếp hai vụ đuối nước làm ba học sinh tiểu học chết đuối. Cùng thời điểm, lúc 16h ngày 20.4, tại xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn cũng có một học sinh tiểu học khi đi chơi bị ngã xuống kênh, tử vong ngay gần nhà.

Cách đó 20 ngày, vào chiều 1.4, một nhóm bạn trẻ khoảng 10 người rủ nhau vào khu vực hồ Sông Mực (thuộc Vườn quốc gia Bến En) nằm trên địa bàn xã Bình Lương, huyện Như Xuân vui chơi. Các em đã chèo thuyền ra hồ tham quan, không may nước tràn vào thuyền, em N.V.T (SN 2006, trú ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân) do không biết bơi nên đã đuối nước tử vong.

Các vụ tai nạn xảy ra liên tiếp khiến nhiều người không khỏi xót xa và lo lắng nguy cơ số vụ đuối nước sẽ gia tăng trong mùa hè này. Chị Lê Thị Ánh Ninh (ngụ phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) lo lắng: “Hầu hết trẻ em đều rất thích nước, giai đoạn này thời tiết đang rất nắng nóng cộng với thời điểm được nghỉ hè các em có nhiều thời gian đùa nghịch. Nếu phụ huynh không quản lý sát sao sẽ dễ xảy ra tình trạng trẻ rủ nhau ra hồ, sông, suối… để vui chơi, bơi lội. Nguy cơ tai nạn nhìn thấy trước mắt nếu trẻ không được trang bị các kỹ năng về bơi lội và phòng, chống đuối nước”.

Xử lý nghiêm người đứng đầu...

Để ngăn ngừa tai nạn đuối nước trong lứa tuổi học sinh, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con em mình không được tắm ao, sông, hồ khi chưa được sự đồng ý, giám sát của người lớn. Đồng thời, cần cho trẻ học bơi, rèn kỹ năng phòng ngừa đuối nước để có thể chủ động phòng tránh nguy hiểm. Khi đi tắm biển, hồ bơi, du lịch trên sông nước, cần cho trẻ mặc áo phao và luôn để mắt đến chúng. Tốt nhất là phụ huynh nên chủ động cho con tham gia học bơi vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ hè. Khi được trang bị tốt các kỹ năng về phòng, chống đuối nước, trẻ sẽ an toàn hơn.

Ghi nhận từ thực tế các vụ đuối nước cho thấy, nguyên nhân xảy ra tình trạng là do môi trường sống có nhiều ao, hồ, sông, suối, công trình thi công không che chắn…, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao, nhất là đối với trẻ nhỏ. Còn một nguyên nhân quan trọng khác là do sự thiếu quan tâm của người lớn trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trẻ, nhất là trong khoảng thời gian các em được nghỉ học, tự rủ nhau đi chơi.

Trước thực trạng các vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung rà soát, phát hiện kịp thời và khẩn trương cải tạo, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ. Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường tổ chức các đợt cao điểm hành động, các chiến dịch truyền thông sâu rộng về phòng, chống tai nạn đuối nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước; tập trung triển khai ngay các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng… Qua đó, xử lý nghiêm minh người đứng đầu xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, trường học nếu buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật để xảy ra đuối nước trẻ em tại địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

Đồng thời, giao trách nhiệm cho các trưởng thôn, bản, khu phố huy động các tổ chức đoàn thể, các tổ liên gia tự quản tại địa bàn dân cư tận dụng cơ sở vật chất, địa điểm vui chơi giải trí hiện có, mở cửa nhà văn hóa, trường học, sân thể thao... Qua đó, tạo điều kiện cho các em có môi trường sinh hoạt an toàn, lành mạnh trong dịp hè; phối hợp cho gia đình quản lý, giám sát học sinh trong thời gian không đến trường...