Phòng ngừa ngộ độc rượu những ngày cuối năm
VHO - Trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu làm nhiều người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một số trường hợp tử vong, nguyên nhân có thể là do sử dụng phải rượu không có nguồn gốc, do một số cơ sở mua cồn công nghiệp pha chế thành rượu.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc rượu xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc uống rượu kém chất lượng có chứa độc chất methanol (cồn công nghiệp).. Ngộ độc rượu là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tâm thần, tai nạn giao thông, tử vong…
Rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Thế nhưng, nếu như rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc. Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo,…
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Vốn dĩ rượu methanol dễ gây ngộ độc hơn vì sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc, đây cũng là tác nhân lớn làm ngộ độc rượu gây tổn thương đến các tế bào ở mắt và não. Dù không chứa độc tính như rượu methanol, rượu ethanol cũng gây ngộ độc khi uống quá nhiều trong thời gian ngắn, hay lạm dụng rượu trong thời gian dài.
Ngoài ngộ độc methanol, vừa qua trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra vụ ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng khiến nhiều người phải nhập viện điều trị. Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có acetonitrile và cyanid, còn hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính, kết hợp với bệnh cảnh của các bệnh nhân nhận định ngộ độc acetonitrile (acetonitrile khi vào cơ thể có thể chuyển hoá chậm thành cyanid gây ngộ độc với biểu hiện sau uống nhiều giờ).
Acetonitril là một dung môi công nghiệp được sử dụng trong sản xuất hóa chất, dược phẩm và các ứng dụng kỹ thuật. Acetonitril thường không phải là thành phần tự nhiên trong rượu. Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol, không phải acetonitril.
Đến nay chưa có kết luận vì sao xuất hiện acetonitrile trong rượu, nhiều giả thiết đặt ra, có thể can đựng rượu trước đó có đựng hóa chất acetonitrile và không được vệ sinh sạch sẽ; và cũng không loại trừ cố ý...
Acetonitril là một nitril hữu cơ, được sử dụng chủ yếu để làm dung môi chạy HPLC trong chiết xuất dược liệu, pin lithium, phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong phòng thí nghiệm...
Khi vào cơ thể, acetonitril được chuyển hóa thành cyanide, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Hít phải acrylonitrile có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm hắt hơi, tức ngực, ho, yếu tay chân, buồn nôn và nôn, buồn ngủ, nhịp tim không đều, co giật và ngất xỉu.
Mức độ phơi nhiễm càng nghiêm trọng thì các triệu chứng càng nghiêm trọng. Trong cơ thể, acrylonitrile phân hủy để giải phóng xyanua. Các triệu chứng có thể xảy ra do bất kỳ loại phơi nhiễm nào với acrylonitrile bao gồm qua da hoặc qua đường tiêu hóa. Trong giai đoạn nhiễm độc cấp tính, nồng độ xyanua và thiocyanat trong máu tăng cao.
Càng về cuối năm, các cuộc liên hoan càng nhiều, gây nguy cơ ngộ độc rượu cao. Trước thực trạng này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị Sở Công Thương và các ngành liên quan rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tăng cường công tác kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy định an toàn thực phẩm (nếu có).
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.