Phát huy vai trò của công nhân lao động trong bảo vệ môi trường
VHO - Nhằm tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn, người lao động trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 12.12, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam, báo Lao động tổ chức “Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2024”.
Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh; Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cùng đại diện các cơ quan, đơn vị và công nhân lao động trong lĩnh vực môi trường.
Diễn đàn được tổ chức thường niên với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ TN&MT của các doanh nghiệp trên toàn quốc. Đồng thời tôn vinh những sáng kiến, ý tưởng của người lao động trong công tác bảo vệ môi trường.
Một trong những nội dung Diễn đàn được các đại biểu quan tâm phân tích vai trò quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, sự chuẩn bị của các địa phương, việc nâng cao nhận thức cho từng hộ dân, đồng thời nâng cao kiến thức cho công nhân môi trường trong việc phân loại, tránh việc người dân phân loại lại bị thu gom cùng 1 chỗ.
Sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Chất thải được đặt trong mối tương quan chặt chẽ với sự phát triển của một nền kinh tế tuần hoàn và khép kín; các sản phẩm, hàng hóa, thức ăn,… sau khi được thải bỏ giờ đây sẽ không kết thúc vòng đời ở bãi chôn lấp hay lò đốt tiêu hủy. Bằng cách thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải đúng cách, chúng ta có thể biến những gì từng là chất thải, phải tốn kém tiền của để xử lý thành tài nguyên quý giá, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, hiện nay, tỉ trọng các loại chất thải trong CTRSH phát sinh tại Việt Nam, chất thải thực phẩm chiếm tỉ trọng cao nhất, dao động từ 50 - 70% tổng khối lượng CTRSH phát sinh. Chất thải này nếu được phân loại ngay từ hộ gia đình, cá nhân thì có thể biến thành phân compost chất lượng cao hoặc tạo thành điện sinh khối với giá trị thu được vô cùng lớn.
Cũng theo ông Hồ Kiên Trung, đây là nguồn nguyên liệu giá trị cao phục vụ làm nguyên liệu sản xuất; còn lại là chất thải rắn sinh hoạt khác như túi nilong sử dụng một lần, vỏ kẹo, hộp xốp, mảnh gỗ,... giá trị thấp. Nhưng chất thải này nếu được sơ chế, tạo viên nén nhiên liệu để làm chất đốt cho một số ngành công nghiệp hoặc đốt phát điện cũng tạo ra giá trị.
Như vậy, gần như toàn bộ CTRSH phát sinh đều có thể tái chế, tái sử dụng hoặc tạo thành năng lượng và tạo ra giá trị từ chất thải. Tuy nhiên, khoảng 65% tổng lượng CTRSH tại Việt Nam được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp; khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 19% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác như tái chế, khí hóa, làm viên nén nhiên liệu...
Diễn đàn cũng phân tích, nêu cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong tiến trình phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT(Bộ TN&MT) khẳng định, công nhân lao động có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực môi trường. Theo ông Thọ, công nhân là lực lượng chính trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Vai trò của công nhân đối với việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và chống suy giảm đa dạng sinh học đã được khẳng định.
“Diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, tập huấn, đào tạo và hướng dẫn cho người công nhân hiểu được vai trò của họ trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Đồng thời cũng hướng dẫn về cách thức mà họ có thể tham gia tích cực và bảo vệ quyền lợi của họ trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số chuyển đổi tuần hoàn” - ông Thọ cho hay.