Nỗi niềm sau mỗi kỳ thi!

THẾ TUẤN

VHO - Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024-2025 đã khép lại với những hy vọng và không ít nỗi niềm. Cuộc thi nào cũng có người vui kẻ buồn, nhưng cuộc thi vào lớp 10 trường công nhiều năm qua đã trở thành cuộc thi khó khăn nhất.

Với Hà Nội, ngay từ ngày 10.5, Sở GD&ĐT đã công bố có gần 106.500 học sinh (HS) đăng ký thi lớp 10 công lập, nhiều hơn năm ngoái khoảng 2.000, số được vào là 81.000 em, tương đương 61% số HS tốt nghiệp lớp 9. Tỷ lệ “chọi” cao nhất là 1/3,11 (Trường THPT Yên Hòa).

Nỗi niềm sau mỗi kỳ thi! - ảnh 1
Thí sinh kết thúc kỳ thi vào lớp 10 sau khi hoàn tất môn Toán Ảnh: TUẤN NGHĨA

Áp lực từ tỷ lệ “chọi” cao

Mỗi HS được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. HS không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký. Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, Hà Nội huy động 15.500 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, giám sát. Có khoảng 600 cán bộ, giáo viên làm công tác thanh tra tại kỳ thi ở 201 điểm thi.

Còn tại TP.HCM, năm học 2024-2025, thành phố tuyển 71.020 chỉ tiêu lớp 10 vào 113 trường THPT công lập. Số chỉ tiêu này so với năm học 2023- 2024 là giảm 6.274 chỉ tiêu (năm học 2023-2024, TP.HCM tuyển 77.294 chỉ tiêu lớp 10 công lập), trong khi số HS lớp 9 tăng hơn 5.000 em so với năm học trước đó. Cụ thể, có 98.681 HS đăng ký thi vào lớp 10 và có tới 16.252 em không đăng ký thi lớp 10. Kỳ thi cũng có 3 nguyện vọng, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, trúng tuyển nguyện vọng nào thí sinh phải học nguyện vọng đó, không được thay đổi thứ tự hay nội dung các nguyện vọng. Trường THPT Nguyễn Hữu Huân là trường có tỷ lệ “chọi” cao nhất với 1/3,54; tiếp theo là Trường Nguyễn Thượng Hiền, tỷ lệ “chọi” 1/3,16; thứ ba là Trường Hồ Thị Bi: 1/3,06.

Tuy nhiên, tính chung thì tỷ lệ “chọi” vào lớp 10 trường công năm học tới tại TP.HCM “nhẹ” hơn so với Hà Nội, khoảng 70% so với 61% trúng tuyển. Với nhiều gia đình ở Hà Nội và TP.HCM, con không vào được trường công ví như “thảm họa”. Vì nếu học trường tư thì chi phí quá lớn (gấp từ 12 đến 20 lần). Còn nếu rẽ ngang học trường nghề, ít gia đình muốn. Tệ nhất là không học gì nữa thì với độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” không biết những ẩn họa gì đang chờ các em. Cũng chính vì thế, nhiều nơi khuyên phụ huynh và HS cần căn cứ vào bảng điểm chuẩn 3 năm học gần nhất, kết quả học tập của mình trong suốt 4 năm học, nhất là 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ; so sánh mức độ khó - dễ của đề kiểm tra định kỳ tại trường với đề thi tuyển sinh các năm học trước… để có quyết định đúng đắn. Có trường, giáo viên còn “vận động” HS không thi do lo ngại ảnh hưởng thành tích. Tỷ lệ chọi quá cao, có nghĩa là nguy cơ trượt rất lớn, nên áp lực càng gia tăng. Con thi nhưng cha mẹ lo. Nhiều gia đình ép con học tối ngày, hết giờ học ở trường lại lao ngay vào các lớp học thêm, hoặc là thuê gia sư kèm 3 môn thi. Tình trạng đó kéo dài không dưới 3 tháng.

Càng gần ngày thi, càng có nhiều phụ huynh “ngã ngửa” khi biết con mình phải “chiến” với quá nhiều bạn để giành được một suất trường công, chưa nói là trường chuyên. Ví dụ, kỳ thi vào lớp 8 trường THPT chuyên (gồm 4 trường trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội và 4 trường trực thuộc các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội): Thông tin từ Hội đồng tuyển sinh THPT chuyên Đại học Sư phạm cho biết, năm nay, số hồ sơ dự tuyển vào trường là 5.382. Lớp chuyên tiếng Anh nhận được nhiều hồ sơ nhất và cũng là khối chuyên có tỷ lệ chọi cao nhất là 1/21,3. Tiếp đến là tỷ lệ “chọi” lớp chuyên Lý với 1/15,5. Các lớp chuyên Toán, Tin, Hóa học và Sinh học có tỷ lệ “chọi” tương đương nhau, dao động 1/11-1/12. Ngữ văn có tỷ lệ chọi 1/9,7 và Địa lý có tỷ lệ “chọi” 1/6,8.

Còn với 2 trường chuyên và trường có lớp chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, tỷ lệ “chọi” lần lượt: Chuyên tiếng Anh (THPT chuyên Nguyễn Huệ) 1/19,51; Chuyên tiếng Anh THPT Chu Văn An: 1/12,27.

Không lẽ là “bệnh mãn tính”?

Vì sao mùa thi vào lớp 10 năm nào cũng rất “nóng” với Hà Nội và TP.HCM? Cũng không dễ có câu trả lời. Tuy nhiên, có thể thấy trước hết là do nhiều HS đạt được điểm số cao trong kỳ thi, khiến thí sinh mức trung bình khá trở xuống còn rất ít cơ hội. Cùng với đó, việc thiếu quỹ đất để xây dựng thêm trường lớp, trong khi số HS tăng lên, dẫn đến tỷ lệ vào trường công thắt lại. Ngoài ra, rất đáng nói là tỷ lệ “chọi” trường công ở ngoại thành quá chênh so với nội thành. Thực tế cho thấy, có trường học ngoại thành chưa đến 10 điểm (3 môn thi) đã được nhận. Trong khi trường nội thành gấp 3 lần số điểm đó vẫn có nguy cơ trượt như thường.

Đó cũng là bài toán ngành Giáo dục cần có lời giải, không chỉ để đạt sự công bằng cho HS các nơi mà còn là nâng chất lượng dạy và học một cách đồng đều. Nhưng đáng tiếc, đó cũng là “câu chuyện không hồi kết” vì thực tế ấy vẫn lặp đi lặp lại từ năm học này sang năm học khác như một “căn bệnh” mãn tính. Nhân đây, có lẽ cũng cần nói thêm về việc tuyển sinh đầu cấp, không chỉ là vào lớp 10 trường công. Ngày 7.5 vừa qua, Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP Hà Nội năm học 2024-2025 và Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Phát biểu tại phiên họp, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phụ huynh HS xếp hàng, chen lấn để nộp hồ sơ tại các trường học. Việc xin cho con vào trường mầm non, lớp 1 và lớp đầu cấp THCS, THPT rất “nóng” suốt nhiều năm qua. Với năm học 2024-2025, ngay từ ngày 9.4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; với yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS phải hoàn thành việc cấp mã tuyển sinh cho cha mẹ HS trước ngày 31.5.

Tuy nhiên, trước đó, từ giữa tháng 2.2024, nhiều trường tiểu học ở Hà Nội đã lên phương án tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2024-2025. Điều đó cho thấy việc xin cho trẻ vào trường mầm non và các lớp đầu cấp (lớp 1, 6 và 10) luôn là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh. Để có một suất cho con, nhiều người đã phải thức khuya dậy sớm, chen chúc xếp thành hàng dài trước cổng trường. Có người còn thuê người xếp hàng. Có trường còn tổ chức “bốc thăm”. Đã có lần, cũng chỉ vì quá lo, phụ huynh đã đẩy đổ cả cánh cổng, ùa vào trường, không khác nào ong vỡ tổ. Nhiều bậc cha mẹ mất ăn mất ngủ chỉ vì lo “chạy” bằng được một suất vào trường cho con. Không ít gia đình vợ chồng mất đoàn kết cũng chỉ vì chuyện học của con. Đang yên đang lành nhưng đến lúc phải lo cho con được vào trường thì bỗng hai bên trút trách nhiệm cho nhau. Chỉ khổ những đứa trẻ, chúng nào có lỗi gì.

Nhiều năm qua, số trẻ vào mầm non, vào đầu cấp tại Hà Nội liên tục tăng, trong khi trường lớp tăng không đáng kể. Ví dụ như năm học 2023-2024, số học sinh vào lớp 6 tăng tới 38.800 em, số HS vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường tiểu học không quá 35 HS/lớp, THCS không quá 45 HS/lớp. Nhưng hầu như các trường ở các quận Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông..., lớp học đều có trên dưới 50 HS/lớp, thậm chí có lớp 60 HS/lớp. Như vậy, xin được nhắc lại, quan trọng nhất là phải “tìm ra” quỹ đất, tăng cường đầu tư kinh phí xây trường cũng như bổ sung biên chế giáo viên các trường công lập. Riêng về quỹ đất, các quận trung tâm Hà Nội chật chội, nhưng không đến nỗi không thể có đất xây trường, nhất là khi nhiều cơ sở sản xuất, nhiều cơ quan đơn vị di dời ra ngoại thành. Đáng tiếc, sau khi di dời, có đất, nhưng lại mọc lên những chung cư cao tầng, những trung tâm thương mại vì sẽ thu được nhiều lợi nhuận.

Vì thế mới nói, việc có đủ trường lớp cho HS ở các thành phố lớn chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Không thể khác! 

 Không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn

Trưa qua 9.6, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Trước thông tin dư luận về việc đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội bị lộ vào sáng sớm ngày 8.6, trước khi kỳ thi diễn ra khiến Sở GD&ĐT Hà Nội phải thay đề dự phòng, ông Trần Thế Cương khẳng định không có việc lộ đề thi. Theo ông Trần Thế Cương, việc xây dựng, in sao và vận chuyển đề thi được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đúng quy chế thi và bảo đảm bảo mật tuyệt đối. Toàn bộ quy trình này có sự tham gia giám sát của lực lượng an ninh. Đề thi được bàn giao tới các điểm thi vào ngày 7.6, trước ngày thi chính thức một ngày. Phòng bảo quản đề thi tại 201 điểm thi trên địa bàn thành phố đều có lực lượng công an và hệ thống camera an ninh giám sát 24/24h.

Cũng theo ông Cương, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị cơ quan công an điều tra, xác minh thông tin trên mạng xã hội không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng tới thí sinh đang dự thi. Ngữ văn là môn thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội. Đề thi năm nay rơi vào tác phẩm Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu. Phần nghị luận xã hội được đánh giá là hay và ý nghĩa khi đặt vấn đề về việc có nên sống, nỗ lực để đáp ứng được mong đợi của người khác, nhất là người thân hay không. B.N