Những “chiến sĩ” phòng, chống bão, lũ trên mặt trận truyền thông
VHO - Để cung cấp cho khán giả những thông tin chính xác nhất, chân thực nhất về diễn biến, tình hình bão, ngập lụt trên sóng truyền hình, trên các phương tiện truyền thông, nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đã sẵn sàng dấn thân và đến với những vùng nguy hiểm để tác nghiệp.
Trong số đó là phóng viên Kênh VTC14 - kênh truyền hình chuyên biệt về thiên tai, thảm họa và phục vụ cộng đồng. Như thường lệ, ngay khi có thông báo về tình hình mưa bão, lũ lụt lịch sử trong tháng 9 này, các ekip phóng viên VTC14 đã chuẩn bị tinh thần lên đường đến những vùng nguy hiểm nhất để tác nghiệp, dù có thể phải đánh đổi bằng sự an toàn của bản thân.
Trong cơn bão số 3 này, VTC14 đã có 4 ekip tác nghiệp tại hiện trường dọc các tỉnh, thành ven biển phía Bắc: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định.
“Chúng tôi đã đến những khu vực xung yếu, nguy hiểm của quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng đúng vào lúc tâm bão đi qua với sức gió mạnh nhất, giật cấp cấp 12-13, cuốn phăng những biển quảng cáo, mái tôn, mái nhà … Nguy hiểm là vậy, nhưng với kinh nghiệm khi tham gia các đợt bão 15 năm qua ở VTC14, chúng tôi đã có phương án để làm sao tìm được vị trí tác nghiệp tốt nhất, cung cấp cho khán giả hình ảnh và nội dung chân thực nhất trên sóng” – nhà báo Trung Kiên chia sẻ.
Cũng theo nhà báo Trung Kiên, không chỉ gió mạnh, lượng mưa cũng rất lớn, đều đạt tới 250mm-30mm toàn khu vực. Do đó, việc tác nghiệp để truyền tải hình ảnh về trường quay tại Hà Nội và đưa lên sóng phục vụ khán giả là cả một hành trình gian nan.
Khi ekip tác nghiệp trong điều thời tiết như vậy, để thực hiện được phiên live truyền hình trực tiếp, có những lúc phóng viên lên hình còn không đứng vững, bị nước mưa và gió tạt mạnh vào người, vào mặt, thậm trí bay cả áo mưa, mũ…
Cùng với đó là việc bảo vệ thiết bị máy quay gặp rất nhiều khó khăn. Các máy quay và thiết bị đi kèm đều được bảo vệ bằng áo mưa chuyên dụng nhưng với sức gió và mưa cực lớn không thể tránh khỏi thiết bị sẽ ướt, ẩm và hư hỏng. Do đó, ngoài việc làm tốt công tác nội dung thì những anh em kỹ thuật đi kèm phải có cách bảo vệ thiết bị, sấy thiết bị và đảm bảo kịp thời cho việc thực hiện lên các bản breaking news theo chỉ đạo từ phía trường quay.
Không chỉ như vậy, cản trở lớn nhất đối với ekip là ở những vùng xung yếu và nơi bão đổ bộ, hệ thống lưới điện và mạng lưới viễn thông đều bị ngưng liên lạc, rất khó khăn cho việc làm trực tiếp và kết nối thông tin với trường quay. Nhưng tất cả đều phải nhanh chóng khắc phục để đảm bảo nội dung cập nhật, đúng giờ, đúng thời lượng cho chương trình.
Sau khi bão số 3 đi qua, ekip tác nghiệp của VTC14 rút về Hà Nội thì ngay sau đó, 3 ekip khác lại tiếp tục lên đường đến những nơi không kém phần nguy hiểm để tác nghiệp về đợt mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc.
Hoàn lưu sau bão số 3 lần này đang nhấn chìm nhiều khu vực ở các tỉnh, thành phía Bắc. Phóng viên VTC14 đều có mặt để thông tin kịp thời tới khán giả về tình hình, diễn biến mưa lũ, sạt lở ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang hay vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ… đồng thời, hướng dẫn bà con đảm bảo an toàn trong mưa lũ và công tác khắc phục thiệt hại ở nhiều địa phương.
Theo Nhà báo Đình Hoàn, trong 10 năm công tác tại VTC14, anh đã từng tham gia tác nghiệp hàng chục cơn bão và các vụ sạt lở nghiêm trọng ở khắp mọi miền cả nước. Với anh, đợt tác nghiệp trận lũ lịch sử 9.2024 lần này để lại trong anh nhiều dấu ấn khó quên nhất. Bởi đó là trận lụt lịch sử để lại quá nhiều mất mát cho người dân những vùng bị thiệt hại, những câu chuyện ở vùng sạt lở khiến cuộc sống người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, không điện, không liên lạc, không thực phẩm, nước uống...
Còn nữa, những cuộc chạy lũ trong đêm khuya, giữa vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh… sẽ mãi là cuộc chạy đua với thời gian và tìm kiếm sự sống mà anh không thể nào quên. Chính vì cảm nhận được nỗi đau thương của người dân vùng lũ, anh và ekip đã không quản ngại khó khăn, luôn kề vai sát cánh cùng người dân, cung cấp cho khán giả những thông tin chân thực từ tâm lũ. Đồng thời, chia sẻ và cảm thông với họ những nỗi đau, sự mất mát mà họ phải trải qua.
Bình thường, mỗi lần tác nghiệp bão lũ, phóng viên của VTC14 thường chia nhiều ekip để liên tục cập nhật trong các bản tin breaking news hàng ngày. Trung bình mỗi ngày họ phải triển khai từ 8 đến 10 bản tin breaking news với số lượng đầu tin lên tới hơn 200 đầu tin.
Nhưng riêng với cơn bão số 3 và những ngày nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong nước lũ, VTC14 đã huy động gần 100 nhân sự tham gia triển khai liên tục những bản tin nhanh – breaking news phục vụ khán giả cả nước.
Nhà báo Phạm Nhung – Trưởng phòng Sản xuất nội dung, Kênh VTC14, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết: Trong 15 năm làm nghề, chị cũng từng trực tiếp tham gia tác nghiệp tại hiện trường nhiều cơn bão và đợt lũ lớn khắp mọi miền cả nước, nhưng cơn bão số 3 và trận lũ lịch sử lần này là đợt tác nghiệp mà chị sẽ nhớ mãi.
Nhớ bởi nó không chỉ là một đợt tác nghiệp mà VTC14 đã huy động lực lượng rất lớn đi hiện trường, tới những vùng nguy hiểm nhất mà còn bởi đó là đợt tác nghiệp đã phá vỡ nhiều kỷ lục trên kênh sóng và nền tảng số của VTC14 với lượng người xem, lượng bản tin và lượng thông tin cung cấp cho khán giả.
“Tác nghiệp trong điều kiện bình thường với một sự vụ nghiêm trọng đã không phải là dễ dàng, nhưng tác nghiệp trong điều kiện mưa bão thì khó khăn còn gấp bội lần. Mỗi đợt tác nghiệp như thế này, cái khó nhất là chúng tôi cần phải có kế hoạch và chiến lược từ sớm, rất rõ ràng cho cả đợt.
Và để làm được việc này thì chúng tôi phải nắm được thông tin về diễn biến của tình hình mưa bão thật sát và nhanh. Ngoài ra, việc điều phối anh chị em phóng viên đi hiện trường phải phù hợp với khả năng, điểm mạnh – điểm yếu của từng người để phát huy tối đa khả năng của họ, đáp ứng cho công việc một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, các ekip di chuyển trong điều kiện mưa bão, lũ lụt và sạt lở rất nguy hiểm, khó khăn. Đó vẫn là điều mà những người phụ trách như chúng tôi không khỏi lo lắng, vì sự an toàn của anh em ekip vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chỉ khi nào, tác nghiệp xong, anh chị em về đến nhà mới an tâm”, nhà báo Phạm Nhung chia sẻ.
Sau mỗi chuyến đi về với người dân vùng tâm bão, rốn lũ ngoài việc chuyển tải thông tin nhanh, chính xác, thì trăn trở nhất đối với những phóng viên VTC14 là chuyển tải được những thông điệp về những mất mát, đau thương mà người dân vùng bão, lũ đang phải gánh chịu. Và đây cũng là động lực để các nhà báo, phóng viên của kênh truyền hình chuyên biệt về thời tiết, thiên tai “lăn xả” ở những nơi tâm bão, rốn lũ những ngày qua.