Nhiều quốc gia gặp trở ngại trước chính sách nghiêm ngặt với thuốc lá mới

VHO - Trong bối cảnh nhiều quốc gia áp dụng lệnh cấm hoặc kiểm soát nghiêm ngặt đối với thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), hoạt động buôn lậu các sản phẩm này đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ.

Nhiều quốc gia gặp trở ngại trước chính sách nghiêm ngặt với thuốc lá mới - ảnh 1

Việc thiếu nguồn cung hợp pháp trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn hiện hữu đã tạo điều kiện cho thị trường chợ đen phát triển, bất chấp rủi ro pháp lý.

Người tiêu dùng sẵn sàng tìm đến các kênh phi chính thống để tiếp cận sản phẩm, từ các hội nhóm kín trên mạng xã hội đến các nền tảng thương mại điện tử không kiểm soát. Các đường dây buôn lậu ngày càng tinh vi, lợi dụng hình thức vận chuyển nhỏ lẻ, ngụy trang hàng hóa và tận dụng lỗ hổng trong quản lý giao nhận để qua mặt lực lượng chức năng.

Thực tế này đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách: Làm sao để cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nhu cầu thực tế của thị trường, trong khi vẫn ngăn chặn hiệu quả các hoạt động phi pháp đang ngày càng lan rộng.

Các thủ đoạn buôn lậu thuốc lá mới đang thích ứng với lệnh cấm

Ứng phó với sự quyết liệt của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu TLĐT và TLNN, gọi chung là thuốc lá mới liên tục thay đổi thủ đoạn nhằm né tránh kiểm soát. Hoạt động giao dịch hiện chủ yếu diễn ra trong các hội, nhóm kín trên mạng xã hội. Tại đây, thuốc lá mới được gọi bằng biệt danh, ẩn danh người bán và giao hàng tại nhiều địa điểm khác nhau.

Không chỉ thay đổi phương thức giao dịch, các đối tượng này còn điều chỉnh cách thức vận chuyển và tư vấn khách hàng nhằm thích ứng với lệnh cấm. Nhiều đường dây buôn lậu áp dụng các thủ đoạn tinh vi hơn như mã hóa thông tin liên lạc, sử dụng mạng lưới vận chuyển riêng biệt, chia nhỏ hàng hóa và ngụy trang dưới các hình thức khác nhau như vỏ hộp sữa, mì gói… để cơ quan chức năng khó nhận diện.

Đáng lưu ý, từ thời điểm Nghị quyết 173 có hiệu lực đến nay, nguồn cung thuốc lá mới lậu trên thị trường không những không bị gián đoạn mà thậm chí còn tăng giá bán, lấy lý do khan hàng do tác động của lệnh cấm.

Về phía người mua, các nhóm buôn lậu còn đưa ra nhiều cam kết như "giao hàng tận nơi", "ẩn danh tuyệt đối", khiến nhiều người thờ ơ với những cảnh báo về sức khỏe và mức xử phạt khi sử dụng hàng cấm.

Ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) – trong tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" đã chia sẻ, thuốc lá lậu không được kiểm soát về hàm lượng nicotine, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm… tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe của người dùng và cộng đồng.

Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội – cho biết, một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn là do nhu cầu của người tiêu dùng đối với các mặt hàng này khá lớn.

Để giải quyết vấn đề tồn tại thị trường chợ đen thuốc lá mới hiện nay, ông Nguyễn Quốc Việt - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) ông khuyến nghị, cần tiến hành các khảo sát nhằm đưa ra chiến lược kiểm soát buôn lậu toàn diện, hiệu quả nhất.

Lệnh cấm không giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ như kỳ vọng

Theo Daily Mail, chính sách cấm thuốc lá mới do chính phủ Úc dưới thời Thủ tướng Anthony Albanese ban hành hiện đang vấp phải nhiều chỉ trích. Dù được kỳ vọng sẽ hạn chế việc sử dụng, thực tế cho thấy tỷ lệ người dùng các sản phẩm này không giảm mà còn có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ.

Dựa trên kháo sát của Roy Morgan, chỉ vài tháng sau khi lệnh cấm được áp dụng, tỷ lệ thanh niên Úc (18–24 tuổi) sử dụng TLĐT đã tăng từ 19% lên 20,5%, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu cũng tăng từ 8,2% lên 11,1%. Thậm chí, chính sách này còn vô tình làm gia tăng sự xung đột, tranh giành thị phần của thị trường chợ đen tại các thành phố lớn như Sydney, Melbourne và một số bang khác.

Điển hình như tại bang Victoria, việc tranh giành quyền kiểm soát thị trường chợ đen giữa các nhóm tội phạm đã dẫn đến hơn 100 vụ tấn công bằng bom xăng vào các cửa hàng TLĐT chỉ trong năm 2024, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng.

Nhiều quốc gia gặp trở ngại trước chính sách nghiêm ngặt với thuốc lá mới - ảnh 2
Một cửa hàng tại Melbourne (Úc) bị đốt cháy trong cuộc tranh chấp giữa các nhóm tội phạm buôn lậu thuốc lá điện tử, tháng 1.2025 (Ảnh: Joel Carrett/AAP)

Các chuyên gia nhận định, việc thiếu các lựa chọn thay thế hợp pháp và chương trình hỗ trợ cai thuốc hiệu quả đang khiến người dùng, đặc biệt là giới trẻ, tìm đến thị trường chợ đen với những sản phẩm kém an toàn hơn. Trường hợp của Úc cho thấy, nếu không có lộ trình chuyển đổi rõ ràng và giải pháp hỗ trợ phù hợp, các biện pháp kiểm soát cực đoan có thể phản tác dụng.

Tình trạng tương tự đang diễn ra tại Ấn Độ – nơi đã cấm thuốc lá mới từ năm 2019. Tuy nhiên, thị trường chợ đen vẫn hoạt động mạnh, đặc biệt trong giới trẻ. Theo báo cáo năm 2023 của ông M.V. Rajeev Gowda, cựu Thượng nghị sĩ Ấn Độ, người dùng vẫn dễ dàng tiếp cận các sản phẩm này qua số điện thoại riêng, nhóm kín trên WhatsApp hoặc tại các cửa hàng thuốc lá gần khu dân cư và trường học. Chỉ riêng tháng 9.2022, Cục Tình báo Doanh thu Ấn Độ đã thu giữ hai lô hàng TLĐT trị giá lên tới 680 triệu rupee.

Nhiều quốc gia gặp trở ngại trước chính sách nghiêm ngặt với thuốc lá mới - ảnh 3
Ông M.V. Rajeev Gowda – cựu Thành viên Thượng viện Ấn Độ. Nguồn: The Hindu.

Tại Thái Lan và một số quốc gia châu Á đang áp dụng lệnh cấm, tình trạng buôn lậu TLĐT gia tăng đáng kể. Riêng tại Thái Lan, giá trị TLĐT nhập lậu bị thu giữ đã tăng từ 300.000 USD năm 2019 lên hơn 16 triệu USD chỉ sau một năm. Ước tính, thuốc lá lậu chiếm khoảng 25% tổng lượng tiêu thụ, gây thất thu ngân sách hơn 28 tỷ baht mỗi năm.

Theo Bộ Y tế (MoH) và Cơ quan Khoa học Y tế (HAS) Singapore, có hơn 17.900 cá nhân đã bị bắt vì tàng trữ và sử dụng TLĐT tại Singapore từ tháng 1.2024 – 3.2025. Trong đó, tổng số TLĐT và các linh kiện liên quan bị tịch thu trị giá hơn 41 triệu đô Sing.

Từ những thực tiễn trên, theo các chuyên gia để xây dựng chính sách kiểm soát phù hợp, các cơ quan chức năng cần liên tục cập nhật công nghệ và hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ dựa trên đánh giá toàn diện các chủ thể liên quan, bao gồm cả nhu cầu người tiêu dùng.

 

Theo Người Đưa Tin

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc