Nhà ở chất lượng, an toàn cho người lao động thu nhập thấp (Bài 2): Cần khuyến khích chủ nhà trọ tư nhân cung cấp nhà ở an toàn

VHO - Sau vụ cháy tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ước tính toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini cho thuê và bán cho các hộ dân. Phải khẳng định rằng, trong chủ trương xã hội hoá, các chung cư mini này đã đáp ứng được số lượng lớn nhà ở cho người lao động, công nhân thu nhập thấp.

Xây nhà cho thuê 7 – 10 năm mới thu hồi vốn

Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) là một trong những thôn tập trung nhiều nhà trọ cho thuê của xã. Trong số đó là khu trọ của ông Lê Xuân Thập (đường Cổng Gỗ) với 14 phòng khép kín khoảng gần 20m2/phòng, giá thuê là 1,8 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện 2.700 đồng/số, 10.000 đồng/khối nước. Khu trọ được bố trí sân tầng 1 để xe, các tầng có ban công dùng chung; tầng trên cùng có chống nóng và có thể vui chơi. Đối tượng thuê chủ yếu là người lao động trong khu công nghiệp, nhân viên văn phòng, sinh viên…

Nhà ở chất lượng, an toàn cho người lao động thu nhập thấp (Bài 2): Cần khuyến khích chủ nhà trọ tư nhân cung cấp nhà ở an toàn - Anh 1

Khu nhà trọ của ông Lê Xuân Thập (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: X.C

Ông Thập cho biết, khu nhà trọ của ông có diện tích 175m2, từ cuối năm 2019 ông đầu tư gần 3 tỉ để xây dựng khu trọ, đến tháng 5.2020 mới xong. Trung bình đầu tư khoảng 150 triệu/phòng, với số tiền xây dựng như vậy thì khoảng 10 năm mới thu hồi vốn. “Rất may là tôi có một khoản vốn có sẵn và vay mượn người nhà nên không phải chịu lãi ngân hàng. Chứ nếu vay lãi ngân hàng thì không thể xây dựng được. Tôi cũng không được địa phương hỗ trợ gì”, ông Thập thông tin.

Cũng tương tự, chị Cù Thị Thảo cũng có 8 phòng khép kín, có bình nóng lạnh, quạt cho thuê (16m2/phòng) với giá 1,5 – 1,8 triệu/tháng, chưa tính tiền điện, nước. Chị Thảo cho biết, khu nhà trọ mới được xây dựng được 3 năm nay. Trước đó, khu nhà trọ của chị có 14 phòng cấp 4, diện tích 10m2, giá thuê chỉ 500.000 – 600.000 đồng/tháng nhưng sinh hoạt chung và không có vật dụng gì. “Nhận thấy, công nhân đến công ty làm việc vất vả, khi về nhà vẫn phải ở trong điều kiện chật chội, nóng bức. Nên tôi và gia đình đã quyết định đầu tư để mở rộng diện tích, xây dựng phòng khép kín trông đỡ lụp xụp hơn”, chị Thảo cho hay.

Mỗi tháng thu nhập từ tiền thuê trọ của gia đình chị khoảng 12 – 13 triệu đồng/tháng, và phải 6 – 7 năm tới chị mới thu hồi được vốn. Vì thế nhiều chủ trọ không có tiền, không thể đi vay ngân hàng để đầu tư để xây nhà mới, mà tiếp tục để nhà cấp 4 cũ cho công nhân thuê với giá rẻ từ 600.000 – 1.000.000 đồng/tháng. Chị Thảo cũng đề xuất Nhà nước, các cơ quan có chính sách hỗ trợ các hộ dân để cho vay tiền xây nhà cho người lao động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Hồng, Trưởng thôn Bầu cho biết, các hộ dân đầu tư xây nhà cho thuê chủ yếu từ nguồn vốn cá nhân tích luỹ, bán đất hoặc một số hộ được đền bù đất nông nghiệp, còn chính quyền tạo điều kiện hết sức. Trước đây, một số hộ được vay từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nông dân… nhưng sắp tới không có nguồn nào để hỗ trợ, chỉ có thể sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng chính sách đối với cựu chiến binh, người cao tuổi, phụ nữ với mức 50 triệu đồng/hộ. 

Nhà ở chất lượng, an toàn cho người lao động thu nhập thấp (Bài 2): Cần khuyến khích chủ nhà trọ tư nhân cung cấp nhà ở an toàn - Anh 2

Khu nhà trọ của chị Cù Thị Thảo (thôn Bầu, huyện Đông Anh)

Cũng theo ông Hồng, hiện trong thôn vẫn còn nhiều nhà cấp 4 cho thuê trong tình trạng lụp xụp vì không có điều kiện kinh tế để đầu tư, hay đất chờ tách thửa cho con cái, hoặc gia đình chuẩn bị xây nhà nên k đầu tư nữa. Để đảm bảo sức khoẻ tốt hơn cho công nhân, người lao động các cấp chính quyền xã, thôn đã tuyên truyền, khuyến khích, vận động chủ nhà thay tấm lợp proximăng bằng lợp tôn, làm hệ thống bơm nước trên mái để làm mát nhà vào những ngày hè nóng bức.  

Nhà nước cần khuyến khích tư nhân phát triển nhà ở an toàn

Sau vụ cháy tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ước tính toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini cho thuê và bán cho các hộ dân. Qua rà soát sơ bộ, trong số đó, có nhiều khu nhà ở sâu trong ngõ ngách, mật độ dân số quá đông, không đủ đảm bảo chất lượng,  vi phạm các quy định về quy hoạch, phòng cháy chữa cháy, sai phép…

Phát biểu tại Toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” do Báo Kinh tế & Đô thị, Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) tổ chức mới đây, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV cho rằng, vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ tình trạng nhà ở thiếu an toàn tồn tại tràn lan, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… hoặc các tỉnh thành có các khu công nghiệp quy mô lớn.

“Viêc tồn tại nhà ở thiếu an toàn về điều kiện phòng cháy chữa cháy, xây dựng… dẫn đến hậu quả thảm khốc mà đến hôm nay mỗi khi nhắc lại chúng ta lại thấy nhói lòng. Rõ ràng, nếu không có giải pháp khắc phục loại bỏ tình trạng nhà ở xã hội không đảm bảo an toàn thì tính mạng, của cải của người lao động sẽ còn bị đe dọa bởi những hiểm họa khôn lường, mà cháy nổ chỉ là một nguy cơ”, ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh.

Nhà ở chất lượng, an toàn cho người lao động thu nhập thấp (Bài 2): Cần khuyến khích chủ nhà trọ tư nhân cung cấp nhà ở an toàn - Anh 3

Trẻ em chơi đùa trong mảnh sân chật hẹp ở nhà trọ tư nhân

Số liệu của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, hiện nay nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Cụ thể đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2.

Thiếu nhà ở trong các khu công nghiệp, công nhân sẽ tìm thuê và mua những căn hộ không đảm bảo điều kiện an toàn khi sinh sống. Đó là lý giải nguyên nhân vì sao chung cư mini vẫn phát triển và thậm chí nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chung cư thương mại, đảm bảo an toàn với giá 30 – 50 triệu đồng/m2 thì làm sao công nhân có thể mua được. Trong khi đó, việc các hộ gia đình, doanh nghiệp cho thuê, bán cũng là hợp pháp vì luật không cấm, người dân được phép bán 1 phần nhà của họ. Nhà nước nên khuyến khích vì không đủ nguồn lực để đáp ứng nhà ở cho toàn xã hội.

Có tới 70% công nhân phải sống ở khu nhà trọ do tư nhân xây dựng. Trong khi Nhà nước chưa đáp ứng đủ nhà ở cho người lao động thì phải huy động nguồn lực xã hội, bao gồm khuyến khích người dân phát triển nhà ở trong điều kiện phải đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu, đảm bảo an toàn cháy nổ, mưa bão, thiên tai. “Không thể như thời bao cấp là Nhà nước cung cấp nhà ở cho người lao động; đồng thời người dân có quyền phát triển nhà ở để cho thuê, mua bán, đó là nhu cầu chính đáng của các bên. Nhưng làm sao để có được nhà đảm bảo an toàn, chất lượng cho người sử dụng? Chúng tôi cho rằng phải bắt đầu từ khâu quy hoạch, cấp phép, quản lý trong quá trình sử dụng. Vì sao trong ngõ nhỏ, phố nhỏ, xe cứu hoả không vào được mà có rất nhiều nhà cao tầng, thậm chí chung cư mini mà có tới 45 căn hộ thì không gọi là mini được. Do đó phải làm thế nào để phù hợp với quy định pháp luật, chứ không thể chạy theo để quản lý”, ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định. 

Trong quá trình phát triển đất nước, các đô thị lớn phát triển khu công nghiệp thì người lao động di cư tự nhiên từ nông thôn ra thành thị để tìm việc làm, tăng thu nhập là tất yếu. Và người lao động – lực lượng làm ra của cải vật chất cho xã hội cần được đảm bảo cuộc sống vật chất, tinh thần, nhà ở là nhu cầu chính đáng. Nhưng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cập từ việc cấp phép, quản lý, đến vận hành chưa tốt. Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường năng lực cho chính quyền cơ sở như đủ nhân lực, tạo nguồn thu từ những nhà trọ, chung cư mini này để họ có đủ điều kiện để quản lý, vận hành tốt.

Thực tế cho thấy, với số vốn tích cóp ít ỏi, ông Lê Xuân Thập hay chị Cù Thị Thảo và nhiều chủ nhà trọ khác chỉ đủ tiền để xây dựng những căn hộ nhỏ hẹp, ít tiện ích và chất lượng không đảm bảo. Nếu phải vay vốn ngân hàng để xây dựng căn hộ rộng rãi, đạt chuẩn nhưng và mất 7 - 10 năm mới hoà vốn thì họ sẽ không có đủ năng lực để trả lãi ngân hàng. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho tư nhân vay vốn để đầu tư xây nhà ở cho người lao động, có như thế mới huy động được nguồn lực xã hội trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc