Quảng Ngãi:
Nguy cơ mất an toàn hồ đập mùa mưa bão
VHO - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 22 hồ đập đang bị xuống cấp, hư hỏng. Nếu các hồ đập này không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời sẽ gây mất an toàn cho người dân vùng hạ lưu vào mùa mưa bão năm nay.
Hồ chứa nước Phượng Hoàng, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có diện tích hơn 9ha, nhiệm vụ tưới cho 38 ha đất lúa, và phục vụ dân sinh khoảng 150 hộ, sau hơn 30 năm vận hành, khai thác, đến nay phần thượng lưu của đập đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, sụt lún. Vữa trít mạch đã mục, đá lát bong tróc, sạt trượt xuống chân đập. Một số đoạn mái đập bị xói sâu đến 0,6m. Dẫn đến rò rỉ, không giữ được nước, không hoàn thành nhiệm vụ tưới tiêu.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú Nguyễn Văn Phúc, nguyên nhân của việc đến nay hồ chứa nước Phượng Hoàng không còn nước là do thời tiết năm nay nắng nóng, cùng với đó là thân đập đã bị hư hỏng theo thời gian nhưng không có kinh phí duy tu, sửa chữa. Việc hồ chứa nước nhưng không giữ được nước đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 150 hộ dân phía hạ lưu và không có nguồn nước tưới cho vụ Hè Thu.
Việc hư hỏng, xuống cấp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn hồ đập. Hàng năm, đến mùa mưa lũ, chính quyền địa phương đều chỉ đạo di chuyển dân cư sống xung quanh, cảnh báo nguy hiểm để Nhân dân trong vùng phòng ngừa.
Ông Nguyễn Tấn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Bình Tân cho biết: “Hợp tác xã Bình Tân được giao nhiệm vụ điều tiết hồ chứa nước Phượng Hoàng. Tuy nhiên, hiện nay thân đập xuống cấp, hư hỏng khiến việc điều tiết nước gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong mùa mưa lũ, anh em Hợp tác xã phải túc trực suốt ngày đêm vì sợ đập vỡ”.
Còn hồ chứa nước ông Tới, tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, có dung tích chứa khoảng 1,5 triệu m3 nước, được xây dựng từ năm 1983. Hồ đã được sữa chữa, nâng cấp năm 1996. Công trình có nhiệm vụ cung cấp nước cho hơn 170 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành, khai thác, đến nay nhiều hạng mục công trình đã hư hỏng.
Theo kiểm tra của lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cùng các cơ quan chứuc năng liên quan đã ghi nhận hàng chục vết nứt lớn nhỏ trên thân đập. Trong đó có những vết nứt dài từ 15 đến 20m, sâu khoảng 1m và có độ rộng từ 0,5÷2cm. Các vết nứt xuất hiện nhiều tại khu vực giữa đập, về phía Bắc thân đập gây nguy cơ cao mất an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, cống lấy nước cũng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Đức Lân Nguyễn Mậu Biên bày tỏ: “Cuối tháng 8.2024, người dân địa phương phát hiện hàng chục vết nứt mới trên thân đập ông Tới. Chúng tôi mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý, khắc phục các vết nứt này để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân địa phương”.
Tính đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 836 công trình thủy lợi, gồm 127 hồ chứa nước, 557 đập dâng, 8 đập ngăn mặn và 144 trạm bơm được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương hỗ trợ bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp khoảng 70 hồ chứa nước. Mặc dù vậy, toàn tỉnh hiện vẫn còn 22 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn.
“Để đảm an toàn công trình đập, hồ chứa nước trong mùa mưa bão, Sở NN-PTNT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác hồ đập trong tỉnh khẩn trương rà soát, khắc phục, sửa chữa tạm thời các vị trí sụt lún, xói lở, sạt trượt, đứt gãy tại các đập, hồ chứa nước. Bên cạnh đó, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, trang thiết bị, vật tư dự phòng. Đảm bảo nhân lực trực 24/24 giờ tại hồ trong mọi tình huống”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết.