Bảo đảm an toàn khi xả lũ hồ thủy điện

THẾ TUẤN

VHO - Ngày 11.8, thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mưa lớn tiếp tục bao phủ trên diện rộng các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng Bắc bộ cho tới ngày 20/8. Lượng mưa cao nhất từ 150-170mm. Trong khi đó, nước tại nhiều hồ thủy điện phía Bắc vẫn ở mức cao.

Bảo đảm an toàn khi xả lũ hồ thủy điện - ảnh 1
Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy xả lũ Ảnh: B.LÂM

Mưa lớn kéo dài, nước các dòng sông dồn về các hồ thủy điện, thủy lợi dẫn tới việc bắt buộc phải xả lũ. Tuy vậy, mỗi lần thuỷ điện xả lũ, ngay cả khi xả lũ đúng quy trình thì người dân vùng hạ du vẫn lo lắng.

2 vụ xả lũ nguy hiểm mới nhất

Không tính tới các vụ xả lũ những năm trước ảnh hưởng tới cuộc sống người dân vùng hạ du, ngay trong mùa mưa năm nay cũng đã có ít nhất 2 vụ xả lũ gây nguy hiểm.

Vụ thứ nhất, vào ngày 6/6 khi Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 xả lũ. Theo lãnh đạo UBND xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), chính quyền địa phương vừa đã phải cùng Công an huyện và các lực lượng chức năng giải cứu 5 người bị mắc kẹt trên mỏm đá giữa dòng nước chảy xiết (thuộc địa phận xã thôn 3, xã Đinh Trang Thượng).

Ông K’Đô - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết, khi phát hiện sự việc, đã gọi điện cho Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 thông báo sự việc, yêu cầu đóng cửa xả đập để ngăn nước tràn về. Suốt từ 15 giờ cho tới 20 giờ cùng ngày, sau rất nhiều lần tìm cách giăng dây cứu hộ các nạn nhân mới được đưa vào bờ.

Vụ thứ hai, tại hồ Thuỷ điện Thác Bà, xã lũ vào ngày 5/8 khiến các xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh và thị trấn Yên Bình bị ngập lụt. Theo chính quyền tỉnh Yên Bái, quá trình xả lũ đã gây thiệt hại 49 nhà dân và 30 xưởng gỗ. Cụ thể, tại thị trấn Thác Bà có 10 nhà dân, 5 xưởng gỗ bóc, xưởng mộc, xưởng ván ép và máy móc bị nước ngập ảnh hưởng. Xã Yên Bình có 11 nhà và 1 xưởng sản xuất. Xã Hán Đà có 1 nhà và xã Vĩnh Kiên có ở 27 hộ dân, 24 xưởng sản xuất gỗ bị thiệt hại...

Theo bà Đào Thị Thanh Hiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Yên Bình, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phải phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự và các cơ quan khác huy động gần 200 người tham gia hỗ trợ di chuyển tài sản cho các gia đình.  

Theo TS Nguyễn Huy Hoạch - chuyên gia năng lượng, tận dụng nguồn nước sẵn có từ các hồ thủy lợi để bố trí nhà máy thủy điện phía hạ lưu đập đang là xu thế chung trên thế giới nhằm khai thác triệt để nguồn thủy năng nhân tạo này. Hiện Việt Nam có 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi đang vận hành, trong đó có 419 đập dâng có chiều cao trên 5 mét và 6.750 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, phân bố tại 45/63 địa phương trên cả nước. Đây cũng là lợi thế rất lớn, nếu chúng ta tận dụng khai thác, xây dựng các nhà máy thủy điện sau đập từ các hồ thủy lợi hiện đang vận hành.

Trong 2 vụ xả lũ thủy điện kể trên thì việc xả lũ của Thuỷ điện Thác Bà được thực hiện theo đúng quy trình khi có Công điện của Bộ NNPTNT. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cũng ban hành công văn yêu cầu đảm bảo an toàn hạ du khi thủy điện xả lũ. Còn vụ ở Thủy điện Đồng Nai 2, theo UBND xã Đinh Trang Thượng, chính quyền địa phương không hề nhận được thông báo xả lũ nên không có thông tin để cảnh báo người dân.

Việc thuỷ điện xả lũ theo quy trình nhưng vẫn gây ảnh hưởng hay việc xả lũ mà “quên” không thông báo, không phải là việc hi hữu, trước đây đã từng có những vụ việc tương tự xảy ra. Thậm chí khi hậu quả xảy ra nhà máy thuỷ điện nói là đã có thông báo, nhưng người dân lại… không biết. Có thuỷ điện thông báo xả lũ nhưng thông báo trên loa cách 2km mà “loa hỏng” nên người dân không nghe thấy. Chưa nói đó là còn có những vụ xả lũ trong đêm. Thực tế cho thấy trong quá trình điều tiết xả lũ hiện nay ở một số nhà máy thuỷ điện vẫn còn bất cập, có khi còn tắc trách dẫn đến nhiều thiệt hại cho vùng hạ du.

Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân

Mùa mưa bão năm nay được dự báo là nhiều diễn biến khó lường. Tại cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã phải đặc biệt lưu ý thuỷ điện trong mùa mưa lũ năm nay các hồ thuỷ điện phải tuân thủ quy trình vận hành để đảm bảo an toàn. Trước khi xả lũ phải có thông báo trước (từ 8 đến 12 giờ) và phải gửi đến đúng địa chỉ.

Còn tại Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 4.8, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NNPTNT thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nước lớn trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Đặc biệt, Công điện của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong mọi trường hợp việc phòng chống thiệt hại, phòng tránh ngập úng cho hạ du phải đặt lên trước nhất, cao nhất. Các nhà máy thuỷ điện bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành nhà máy cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện hiệu quả các phương án bảo vệ hồ đập, ứng phó thiên tai; nhất là có các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Các lực lượng chức năng ở địa phương rà soát phương án chống lũ, đặc biệt khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, khu dân cư ở bãi sông.

Như vậy, có thể thấy trách nhiệm đối với dân trong việc xả lũ hồ chứa thủy điện thuộc về bộ NNPTNT (một phần thuộc Bộ Công thương) - các chủ hồ chứa nước - chính quyền địa phương. Mặt khác, cũng rất cần xử lý nghiêm những vụ xả hồ chứa trong mùa mưa lũ gây tác hại xấu tới cuộc sống người dân.

Phát triển thủy điện một cách an toàn

Thủy điện là nguồn điện năng sạch, được ưu tiên phát triển ở nước ta. Tới nay, tổng công suất các nhà máy thủy điện chỉ xếp sau các nhà máy nhiệt điện.

Theo Địa chí Đà Lạt, thủy điện Ankroet (còn gọi là thủy điện Suối Vàng ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp xây dựng, khởi công vào tháng 10/1942, khánh thành vào năm 1945, chính thức phát điện năm 1946. Còn theo ông Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công thương) thì 2 nhà máy thủy điện lâu đời nhất Việt Nam là Tà Sa, Nà Ngàn được xây dựng tại Cao Bằng từ những năm 1927-1928 trong giai đoạn thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai.

Tới nay, Việt Nam đã hình thành một hệ thống nhà máy thủy điện hùng hậu. Dữ liệu của cơ quan chức năng cho biết, nếu chỉ tính các thủy điện lớn xếp công suất lắp máy từ 100 MW trở lên hiện đã có: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Pắc Ma (đều trên sông Đà); Thác Bà (tỉnh Yên Bái); Sông Gâm (Tuyên Quang); Nho Quế (Hà Giang); Nậm Chiến, Huội Quảng (Sơn La); Bản Chát (Lai Châu); Hủa Na, Bản Vẽ, Khe Bố (Nghệ An); Sông Mã (Thanh Hóa); A Lưới (Thừa Thiên Huế); A Vương, Sông Bung, Sông Bung 4, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 (Quảng Nam); An Khê - Kanak (tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định); Sông Ba Hạ (Phú Yên); Plei Krông (Kon Tum); Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 (Gia Lai); Buôn Kuốp, Srêpốk 3 (tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Đắk Nông); Đăk Đrinh (Quảng Ngãi); Thác Mơ (Bình Phước); Đa Nhim (Ninh Thuận); Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận); Đồng Nai, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 (tỉnh Đăk Nông và tỉnh Lâm Đồng); Trị An (Đồng Nai); Hàm Thuận - Đa Mi (tỉnh Bình Thuận); Đăk R’Tih (Đăk Nông).

Cùng với hệ thống nhà máy thủy điện thì hệ thống hồ chứa nước là cực lớn.

Theo Cục Điều tiết điện lực Việt Nam, những tín hiệu mùa mưa lũ năm 2024 cho thấy cần theo dõi sát sao để điều tiết vận hành các nhà máy thủy điện hợp lý, hiệu quả... Thời gian tới, lượng nước đổ về các hồ thủy điện có thể nhiều hơn, nhất là khu vực phía Bắc. Trong khi đó, tại khu vực miền Trung có 24/27 hồ hiện mực nước thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Còn tại miền Nam (ngoại trừ Đồng Nai 2, Đa Nhim) có nước về cao hơn (từ 108-141%) thì các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Trong khi đó, theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các đợt lũ ở phía Bắc phổ biến xuất hiện vào tháng 8-9.2024. Cũng trong tháng 8, lũ có thể xuất hiện trên sông Đồng Nai. Từ đó cho thấy, việc điều tiết, xả lũ đối với các hồ chứa thủy điện phải được đặt ra một cách cấp thiết.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc