Hai thủy điện không hỗ trợ thiệt hại cho người dân ở Kon Tum: “Tối hậu thư” cho hai công ty thủy điện chây ì

VHO- Hơn hai năm qua, 62 hộ dân ở hai xã Đăk Long và Đăk Psi, huyện Đăk Hà (Kon Tum) rất bức xúc trước việc Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi (chủ đầu tư thủy điện Đức Nhân bậc 1, bậc 2) và Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 5) cố tình chây ì, không chịu phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm kê, hỗ trợ thiệt hại do xả lũ không đúng quy định gây nên thiệt hại.

Hai thủy điện không hỗ trợ thiệt hại cho người dân ở Kon Tum: “Tối hậu thư” cho hai công ty thủy điện chây ì - Anh 1

 Cuộc sống gia đình chị Y Nao rơi vào khó khăn khi vườn cà phê, nguồn sinh kế chính của gia đình bị vùi, lấp do thủy điện xả lũ

 Đáng nói, Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã nhiều lần làm việc với các bên liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Dân mất kế sinh nhai

Bà Nguyễn Thị Nam (57 tuổi), trú thôn 3, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà cho biết, bản thân đã gắn bó với mảnh đất Đăk Psi hơn 20 năm nay, chưa khi nào cảm thấy bất an như khi bước vào mùa mưa lũ. Bởi chỉ cần vài trận mưa lớn đã thấy dòng Đăk Psi nước đục ngầu cuồn cuộn đổ về xuôi, quét qua thôn làng, nương rẫy của dân. Trận mưa lũ năm 2020 cộng với thủy điện dồn dập xả lũ khiến một phần căn nhà của bà Nam bị sập đổ, hoa màu ngả rạp, đổ nát. Cây cầu sắt duy nhất bắc qua sông cũng trôi.

Chỉ tay về phía cồn cát nắng chói chang gần sông Đăk Psi, bà Nam buồn rầu: “Cồn cát này vốn là đất trồng cà phê với hơn 1.200 cây của gia đình, tính ra mỗi năm cho thu hoạch từ 70 - 80 triệu đồng. Mùa mưa, lũ về liên tục, mùa khô thì thiếu nước nên bồi lấp thành cồn cát, cát nóng cháy bỏng biết trồng cây gì sống được trên đó. Người dân ở đây có câu: “Đức Nhân, Đức Bảo, Đức Thành (tên ba công ty thủy điện), cả ba đức ấy làm tan tành Đăk Psi” như là cách nói lên nỗi niềm bức xúc, phẫn uất trong lòng”. Cùng hoàn cảnh, vườn cà phê rộng hơn 1 ha của gia đình chị Y Nao (26 tuổi) trú thôn 3, xã Đăk Psi cũng bị vùi lấp phần lớn vì… thủy điện xả lũ. Gần 2 năm qua, gia đình chị Y Nao rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn khi nguồn sinh kế duy nhất của gia đình không còn. “Vườn cà phê, vườn sắn bị nước lũ nhấn chìm, cát lấp cao mấy mét thì còn cây cối gì sống được. Người dân biết làm gì để sống, phải bỏ nhà đi vào Nam tìm việc thôi”, chị Y Nao than thở và cho biết, chồng mình đã đi vào Nam làm công nhân hơn 1 năm nay để kiếm thêm thu nhập gửi về lo cho gia đình.

Theo ông Phan Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Psi, đời sống người dân xã Đăk Psi còn nhiều khó khăn, vì chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo kiểm đếm của xã đã có ít nhất 62 hộ dân bị ảnh hưởng do thủy điện tích xả nước gây ngập lụt. Việc thủy điện tích xả nước gây thiệt hại cho nông nghiệp diễn ra trước đó, kể từ cơn bão số 9 năm 2020 và mùa mưa lũ gần cuối năm 2021. Hiện tại, thủy điện mới chỉ bồi thường cho 8 hộ dân sống dưới cao trình vùng lòng hồ, hàng chục hộ dân còn lại hiện vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng thôn 3, xã Đăk Psi cho biết thêm: Người dân kiến nghị, gửi đơn thư nhiều lần rồi mà vẫn chưa giải quyết được gì khiến ai cũng thất vọng, có ý định bỏ cuộc. Mỗi lần họp dân tại nhà Rông với sự có mặt của chính quyền địa phương, các chủ đầu tư thủy điện cứ đổ lỗi cho nhau và họ hứa, hứa hết lần này đến lần khác. Rồi không ông nào chịu chấp nhận mình làm sai, khăng khăng nói mình xả lũ theo đúng quy trình.

“Đúng quy trình mà sập cầu cống, nhà cửa, ruộng vườn của dân trôi ra bể. Chúng tôi không cần biết ai đúng ai sai, mà chỉ cần các chủ thủy điện nằm trên hệ thống sông Đăk Psi, đang hằng ngày thu lợi nhuận từ nước Đăk Psi, phải có phần trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho dân”, ông Sơn bức xúc nói.

Hai thủy điện không hỗ trợ thiệt hại cho người dân ở Kon Tum: “Tối hậu thư” cho hai công ty thủy điện chây ì - Anh 2

Đập thủy điện Đức Nhân, 1 trong 2 đơn vị “chây ì” không chịu hỗ trợ thiệt hại cho người dân

Sẽ xem xét đến mức cuối cùng là sẽ thu hồi giấy phép hoạt động

Liên quan vấn đề này, trong tháng 6.2022, Sở Công thương đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Kon Tum xác định nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân. Theo đó, Sở Công thương Kon Tum xác định việc ruộng vườn, hoa màu của 62 hộ dân ở xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà bị ngập lụt hư hại sau bão năm 2020 là do thủy điện Đăk Psi 5 (Chủ đầu tư là Công ty Đức Thành Gia Lai) tích nước gây ngập. Ngành chức năng yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 5 phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 62 hộ dân quanh vùng lòng hồ.

Cho rằng không thỏa đáng, Công ty Đức Thành Gia Lai đã gửi đơn thư phản ánh đến Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh việc thủy điện Đăk Psi bậc 1, bậc 2 xả lượng lớn nước trong mưa bão. Nước đổ về xuôi khối lượng quá lớn, trong khi thủy điện Đăk Psi 5 ở cuối dòng. Nhận được phản ánh, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại, xác định: Do lũ về quá lớn, Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân vận hành mở các cửa van xả lũ thủy điện Đăk Psi bậc 1, bậc 2 vượt giới hạn cho phép và chưa đúng theo quy trình vận hành hồ chứa được Bộ Công Thương phê duyệt, khiến lưu lượng xả về hạ du tăng nhanh, dẫn đến lũ chồng lũ cho vùng hạ du. Trong khi đó, Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai không thường xuyên bảo trì, nạo vét nên hồ chứa thủy điện Đăk Psi 5 qua các năm vận hành đã bị bùn cát bồi lấp làm giảm dung tích hồ chứa, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ. Khi lượng nước về nhanh, nước lũ lên cao đã làm ảnh hưởng đến tài sản và hoa màu của người dân.

Từ những nguyên nhân trên, Sở Công thương Kon Tum cho rằng Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai và Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân phải có trách nhiệm bồi thường cho 62 hộ dân có đất đai bị ảnh hưởng quanh lòng hồ thủy điện. Theo ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum, sau nhiều buổi làm việc, đơn vị thống nhất phân định Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 5) phải chịu 60% và Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân (chủ đầu tư hai thủy điện Đăk Psi bậc 1 và bậc 2) phải chịu 40% kinh phí đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc xả lũ của hai đơn vị này. Ngoài ra, Sở Công thương đề nghị UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo 2 xã Đăk Psi và Đăk Long chủ động phối hợp với chủ đầu tư thủy điện hoàn thành công tác rà soát khối lượng, kiểm đếm, tính đơn giá và công khai phương án hỗ trợ.

“Đến ngày 30.7 phải cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ dân và những phần còn lại phải hoàn thành trước ngày 13.8. Trong trường hợp nếu hai đơn vị này không có sự phối hợp trong công tác đền bù, Sở sẽ xem xét việc vận hành sai quy trình của thủy điện Đức Nhân bậc 1, bậc 2 và sẽ có báo cáo đề nghị Bộ Công thương cần thiết đến mức cuối cùng là sẽ thu hồi giấy phép hoạt động điện lực bởi vi phạm quy định”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

 Đến ngày 30.7 phải cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ dân và những phần còn lại phải hoàn thành trước ngày 13.8. Trong trường hợp nếu hai đơn vị này không có sự phối hợp trong công tác đền bù, Sở sẽ xem xét việc vận hành sai quy trình của thủy điện Đức Nhân bậc 1, bậc 2 và sẽ có báo cáo đề nghị Bộ Công thương cần thiết đến mức cuối cùng là sẽ thu hồi giấy phép hoạt động điện lực bởi vi phạm quy định.

(Ông LÊ NHƯ NHẤT, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum)

 

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc