Nghề làm chậu cây cảnh rộn ràng những ngày cận Tết

VHO- Thời điểm này, những người làm chậu cây cảnh trong tỉnh Quảng Ngãi, nhất là ở các làng nghề cây cảnh tất bật vào vụ sản xuất để kịp cung ứng ra thị trường các loại chậu phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023.

Nghề làm chậu cây cảnh rộn ràng những ngày cận Tết - Anh 1

Cơ sở sản xuất chậu cảnh của ông Trần Cao Quang, thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức 

Nằm trên tuyến đường trục xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, cơ sở sản xuất chậu cảnh của gia đình ông Trần Cao Quang (63 tuổi) đang tất bật với công việc. Tại khu sản xuất chậu cảnh, những người thợ đang cần mẫn, tỉ mỉ với từng công đoạn sản xuất, các sản phẩm thô, hoàn thiện bày la liệt khắp nơi. 

Nghề làm chậu cây cảnh rộn ràng những ngày cận Tết - Anh 2

Ông Quang đang chăm sóc vườn mai với những chậu cảnh mẫu mã được người tiêu dùng ưa chuộng 

Ông Quang làm nghề này khoảng 15 năm, hiện mỗi tháng sản xuất được khoảng 100 chiếc chậu phục vụ thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận... Mỗi chiếc chậu sẽ có mức giá từ 50 nghìn đồng đến gần 2 triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ, kiểu dáng. Nguyên liệu chính để làm chậu là sắt, cát, xi măng. Trước kia, chậu cảnh được làm bằng xi măng chỉ đơn thuần là dùng cho việc trồng cây để tiện chăm sóc cho cây, chịu lực không tốt. Hiện nay, các cơ sở làm chậu cảnh đã có khuôn định hình mẫu sẵn, không phải làm bằng khuôn quay như trước. Phần lớn các loại chậu được đúc bằng xi măng, bên trong có cốt thép nên chịu lực tốt, được nhiều người lựa chọn để trang trí, phối cảnh sao cho phù hợp với những tác phẩm sinh vật cảnh. 

Nghề làm chậu cây cảnh rộn ràng những ngày cận Tết - Anh 3

Người thợ đang cẩn thận làm đôn chậu

Để làm được một chiếc chậu cảnh xi măng đẹp đòi hỏi kỹ thuật, bí quyết riêng của người làm nghề. Ông Quang cho biết, nước xi măng giúp mặt chậu thành phẩm mịn và đẹp hơn. Sau khi hoàn thiện phần thô, việc trang trí, sơn màu cho chậu phải làm cẩn trọng, tỉ mỉ. Người thợ phải chú ý pha màu thật chuẩn để màu sắc không phai, bền đẹp, nước sơn không tróc, ố. Các hình họa tiết trang trí phải mềm mại, đẹp mắt. Nghề làm chậu cảnh, không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật, nhưng rất cần sự tinh tế và sáng tạo, sản phẩm làm ra phải đạt được chất lượng bền lâu mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người chơi cây cảnh. 

Nghề làm chậu cây cảnh rộn ràng những ngày cận Tết - Anh 4

Một đôn chậu vừa mới hoàn thành qua bàn tay khéo léo của người thợ

Với tay nghề lâu năm cộng với sự chịu khó học hỏi kinh nghiệm, hiện nay ông Quang đã tạo ra những mẫu chậu, đôn chậu mới lạ và đầy sáng tạo với hình dáng các loại cây: trúc, mai, hay cảnh núi non hùng vĩ giữa sông nước bình yên... Mẫu mã đa dạng như: chậu vuông, lục giác, chậu mi ni, bầu dục...

Nghề làm chậu cây cảnh rộn ràng những ngày cận Tết - Anh 5

Chị Nguyễn Thị Hương đang quét lớp sơn nền lên chậu cảnh

Cách cơ sở của ông Quang khoảng 1km, thời điểm này, cơ sở sản xuất chậu của chị Nguyễn Thị Hương (SN 1995) ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, không khí diễn ra tất bật, hối hả. Mảnh sân rộng trước nhà của gia đình hiện đã phủ đầy các loại chậu. Đang “lui cui” hoàn thành phần sơn của chiếc chậu, chị Hương cho biết, nhu cầu sử dụng chậu có quanh năm, nhưng trong những dịp cận Tết và sau Tết, nhu cầu về mặt hàng chậu tăng lên rất nhiều, vì vậy cơ sở chị phải tăng ca mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường.

Nghề làm chậu cây cảnh rộn ràng những ngày cận Tết - Anh 6

Việc trang trí, sơn màu được cho là công đoạn khó trong quá trình làm chậu cảnh

“Hiện tại, đang vô mùa tết nên công việc cũng khá nhiều. Cơ sở có 5 thợ làm thủ công là chính, mỗi thợ sẽ phụ trách một công đoạn khác nhau, người chuyên đổ chậu, người sơn chậu, người phụ trách làm đôn cho chậu. Để làm ra một chiếc chậu hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi thợ đều nắm rõ quy trình làm chậu từ cách pha trộn nguyên liệu, quay chậu theo khuôn, đến trang trí họa tiết cho chậu. Khi chậu khô người thợ mới tiến hành làm láng, sơn màu”, chị Hương cho hay.

Nghề làm chậu cây cảnh rộn ràng những ngày cận Tết - Anh 7

Làng nghề cây cảnh Xuân Vinh được giới cây cảnh khắp nơi biết đến

Ông Trần Văn Kỷ – Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hành Đức cho biết, làng cây cảnh Xuân Vinh (thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức), phát triển trên chục năm nay, được giới chơi cây cảnh khắp nơi biết đến. Nhờ sự phát triển và tính hiệu quả, nên được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2020. Hiện có 30 hộ trong làng nghề cây cảnh, giá bán mỗi chiếc chậu từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng, tùy từng loại. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, người làm nghề lời lãi không nhiều, nhưng có việc làm quanh năm, không lo thất nghiệp...
Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ những chiếc chậu xinh xắn, chất lượng lần lượt được ra đời phục vụ cho nhu cầu trồng hoa, cây kiểng của người dân. Tết Nguyên đán cũng là dịp để những người làm nghề sản xuất, kinh doanh chậu cây kiểng có thêm thu nhập cho gia đình.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc