Nghệ An tiếp nhận hơn 38,5 tỉ đồng ủng hộ người dân thiệt hại vùng lũ
VHO - Ngày 26.7, tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận hơn 38,5 tỉ đồng tiền mặt và hiện vật từ hơn 50.000 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ do bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An về việc chung tay giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp đến trụ sở Ủy ban MTTQ tỉnh để trao quà ủng hộ người dân vùng lũ.
Đây là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam trong những thời điểm khó khăn.
Nhiều đơn vị đã gửi những phần quà có giá trị thiết thực nhằm kịp thời chia sẻ với người dân vùng thiên tai. Cụ thể, Nhà sáng lập Khu đô thị Ecopark đã trao tặng 1 tỷ đồng; Công an tỉnh Nghệ An ủng hộ 450 triệu đồng; Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Hữu nghị Ba Lan mỗi đơn vị ủng hộ 350 triệu đồng...

Ngoài các khoản tiền mặt, một số tổ chức, doanh nghiệp còn trao tặng hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, áo phao, chăn màn… nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt trước mắt của người dân tại các khu vực đang bị chia cắt, cô lập hoặc chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ.
Tại buổi tiếp nhận, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã kịp thời sẻ chia, tiếp thêm động lực cho người dân vượt qua hoạn nạn.
Đại diện Ủy ban cũng nhấn mạnh, toàn bộ số tiền và hiện vật ủng hộ sẽ được đưa vào Quỹ cứu trợ của tỉnh, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận và phân bổ.
Ủy ban MTTQ tỉnh cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các tổ chức liên quan để khẩn trương chuyển toàn bộ nguồn lực tiếp nhận đến đúng nơi, đúng đối tượng, góp phần giúp người dân vùng lũ sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và yên tâm bám đất, bám bản.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 17h ngày 26.7, mưa lũ trên địa bàn đã khiến 4 người thiệt mạng, 4 người bị thương, 6.629 ngôi nhà bị ảnh hưởng, cùng hàng loạt thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng, sản xuất, giao thông, điện, nước và thông tin liên lạc.

Từ ngày 21 đến 25.7, nhiều khu vực trong tỉnh hứng lượng mưa từ 150 đến trên 300mm, điển hình như Quỳ Châu 335mm, Mường Xén 260mm.
Lũ lớn gây sạt lở, chia cắt giao thông và cô lập nhiều khu dân cư. Toàn tỉnh có 10 xã bị cô lập hoàn toàn hoặc một phần, ảnh hưởng đến hơn 31.000 người. Xã Nhôn Mai bị cô lập nặng nhất với 21 bản, hơn 6.800 nhân khẩu.
Về nhà ở, đã có 377 ngôi nhà bị sập, vùi lấp hoặc cuốn trôi; 1.387 nhà bị hư hỏng, tốc mái và 4.865 nhà ngập sâu. Nhiều hạng mục khác như hơn 104.000m tường rào bị sập.
Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng với gần 3.540ha lúa, 3.030ha rau màu, hơn 7.280ha cây trồng và gần 940ha rừng bị hư hại. Trận lũ cũng cuốn trôi hoặc làm chết hơn 1.290 con gia súc, gần 47.000 con gia cầm và gần 660ha ao hồ thủy sản.
Hệ thống giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 298 điểm sạt lở, 105 điểm chia cắt, hơn 4.700m đường bị sạt lở, 11 cầu, 7 cầu tràn và 5 cầu treo bị hư hỏng hoặc cuốn trôi. 25 điểm trường, 6 trạm y tế, nhiều trụ sở xã, nhà văn hóa và một chợ trung tâm cũng bị ngập, hư hại.

Ngành điện và viễn thông cũng chịu tổn thất nặng với 170 cột điện gãy đổ, 550m dây điện bị đứt, 2 trạm biến áp chập cháy; 151 cột treo cáp và 5 tuyến cáp viễn thông hư hỏng. Hơn 30km đường ống nước sinh hoạt bị hư hại, 9 công trình cấp nước bị ảnh hưởng.
Trước tình hình khẩn cấp, tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 16.800 lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng tham gia cứu hộ, sơ tán và hỗ trợ người dân.
Bộ Quốc phòng đã điều động trực thăng chuyển 28 tấn hàng cứu trợ gồm mì tôm, sữa, lương khô, bánh chưng và nước uống đến các địa bàn bị cô lập.
Tính đến nay, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ hơn 41 tỷ đồng qua Ủy ban MTTQ tỉnh và Hội Chữ thập đỏ.
Mặc dù mưa đã giảm, song nguy cơ sạt lở đất vẫn cao tại nhiều địa bàn, trong đó đáng lo ngại nhất là bản Xằng Trên (xã Mỹ Lý) và bản Long Thắng (xã Tiền Phong), nơi xuất hiện các vết nứt lớn đe dọa hàng trăm hộ dân.
Chính quyền đã tổ chức di dời khẩn cấp, bố trí nơi ăn ở tạm thời và lập chốt trực 24/24 nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.