Ngành tâm lý lâm sàng ở Việt Nam còn nhiều thách thức
VHO - Việc công nhận tâm lý lâm sàng như một chức danh nghề nghiệp yêu cầu có giấy phép hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đã mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc phát triển ngành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.
Ngày 1.6, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam đã chủ trì tổ chức hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: "Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý trị liệu: Cơ hội và thách thức". Mục tiêu của buổi hội thảo nhằm tăng cường nhận thức về nhu cầu, cơ hội, thách thức và định hướng phát triển tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu ở Việt Nam.
Trước đó, lần đầu tiên Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 9.1.2023 đã quy định Tâm lý lâm sàng là một chức danh chuyên môn trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy phép hành nghề. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2023/NĐ-CP ra ngày 30.12.2023 và Bộ Y tế ban hành Thông tư 32/2023/TT-BYT ra ngày 31.12.2023 hướng dẫn thực hiện Luật khám bênh, chữa bệnh, trong đó có hướng dẫn về cấp giấy phép hành nghề cũng như phạm vi hoạt động chuyên môn của Tâm lý lâm sàng.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng, tâm lý trị liệu cho rằng, việc công nhận tâm lý lâm sàng như một chức danh nghề nghiệp yêu cầu có giấy phép hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đã mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc phát triển tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam cho biết: Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng dịch vụ tham vấn, tư vấn và trị liệu tâm lý, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng. Nhân lực các nhà trị liệu tâm lý, nhà tâm lý lâm sàng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, thách thức của ngành tâm lý lâm sàng ở Việt Nam là còn khá mới mẻ, chưa có hệ thống phát triển các chương trình đào tạo chuyên nghiệp tại các trường đại học y khoa, người dân ít được tiếp cận dịch vụ chẩn đoán và điều trị tâm lý lâm sàng chuyên nghiệp, chi phí trị liệu tâm lý còn khá cao…
“Đề khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Hội sẽ cùng với Bộ Y tế cũng như các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng mã nghề, mức lương, chế độ lực lượng y tế chuyên ngành tâm lý học lâm sàng. Chính vì chưa có điều này nên BHYT chưa chi trả dịch vụ tư vấn, trị liệu sức khoẻ tâm thần, cũng là thiệt thòi cho người dân”, Chủ tịch Hội Trị liệu lâm sàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các bác sĩ, chuyên gia lâm sàng đã thảo luận về các vấn đề cách thức và chiến lược phát triển ngành tâm lý lâm sàng sao cho phù hợp với bối cảnh và nhu cầu đặc thù của Việt Nam; Chia sẻ các phương pháp và kỹ năng thực hành trị liệu hiệu quả… Qua đó sẽ giúp các bên liên quan nhận diện và vượt qua những thách thức, đồng thời tận dụng những cơ hội để phát triển ngành một cách bền vững và hiệu quả.