Học sinh tiểu học trở lại trường: "Kích hoạt" hệ thống tư vấn tâm lý...

VHO- Hôm nay 6.4, học sinh tiểu học toàn TP Hà Nội trở lại học trực tiếp sau một thời gian dài trường đóng cửa chống dịch Covid-19.

Học sinh tiểu học trở lại trường:

 Các trường sẽ dành thời gian rèn cho trẻ nề nếp học tập, sinh hoạt trong môi trường mới, cùng với đó là việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch

Các bé lớp 1 rụt rè, bỡ ngỡ khi lần đầu tiên được gặp cô giáo, bạn bè ở một môi trường mới…

Lớp 1 nhiều thiếu hụt

Thông thường với học sinh lớp 1, các trường tiểu học luôn phải dành 2 tuần đầu tiên để giúp trẻ làm quen với môi trường, nềnếp học tập. Nhiều nơi còn tập trung học sinh sớm hơn để có quãng thời gian “tiền lớp 1” trước khi bước vào học tập chính thức. Nhưng lứa trẻ lớp 1 năm học 2021-2022 lại rất đặc biệt. Năm học đã diễn ra được 7 tháng, lần đầu tiên trẻ mới được đến trường. Mặc dù trước đó, cô trò đã quen nhau qua nền tảng học trực tuyến, trẻ đã được học tập theo đúng chương trình, nhưng có nhiều kỹ năng bị thiếu hụt và tâm lý ngày đầu đến trường sẽ vẫn còn nguyên.

Trao đổi vềviệc này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ GD tiểu học (BộGD&ĐT) cho rằng, học sinh lớp 1, thậm chí cả lớp 2 là đối tượng cần dành nhiều thời gian để hướng dẫn, hình thành cho trẻ những thói quen, kỹ năng cơ bản. “Ví dụ như giới thiệu để trẻ biết vềcông năng sử dụng các phòng học, phòng bộmôn của trường, cách sử dụng nhà vệ sinh, cách xếp hàng, tuân thủ kỷ luật của lớp học trực tiếp. Quan trọng hơn là rèn cho trẻ cách ngồi học, ngồi viết, cách cầm bút cho đúng... Đó là những việc chỉ khi trẻ trở lại trường, tiếp xúc trực tiếp với cô giáo mới có thể làm được. Những trường tổ chức bán trú phải rèn cho trẻ nềnếp ăn, ngủ, sinh hoạt, cùng với đó là việc đảm bảo an toàn phòng dịch”, ông Thái Văn Tài chia sẻ và cho biết thêm, các nhà trường đừng vội dạy kiến thức trong những ngày đầu tiên trẻ mới đến trường mà cần bố trí thời gian hợp lý để trẻ làm quen, tránh cho trẻ sốc tâm lý khi thay đổi môi trường sinh hoạt, học tập.

Học sinh lớp 1, lớp 2 là đối tượng đang học chương trình GD phổ thông 2018 (chương trình mới) với nhiều thay đổi vềphương pháp, cách thức tổ chức học tập. Vì thế, khi chuyển tiếp sang học trực tiếp, các trường cũng cần phải chú ý điều chỉnh phương pháp phù hợp. Trong đó có phương án hợp lý để hỗ trợ những học sinh bị F0, F1 phải ở nhà trong thời gian trường học mở cửa trở lại.

Vụ trưởng Vụ GD tiểu học cho rằng, năm học 2021-2022 là năm học “phi truyền thống” vềkhung thời gian, với mục tiêu đảm bảo an toàn, duy trì chất lượng. Vì thế, sau khi học sinh đến trường ổn định nềnếp, cần kiểm tra chất lượng để nắm được tình hình học tập của học sinh, từ đó có các biện pháp hỗ trợ. “Nếu cần có thể bố trí thời gian, cơ sở vật chất, giáo viên để phụ đạo riêng cho những em bị thiếu hụt kiến thức, kỹ năng theo các nhóm khác nhau để bù đắp kịp thời và đúng cái trẻ cần hỗ trợ. Nếu cần thiết, các trường có thể đềxuất lên Sở GD&ĐT để Sở đềxuất với BộGD&ĐT nới khung thời gian năm học, có thể là chỉ thực hiện riêng với học sinh lớp 1, lớp 2. Làm sao để đảm bảo kết thúc chương trình, học sinh đạt yêu cầu tối thiểu”, ông Tài cho biết.

Không kiểm tra định kỳ ngay

Một yêu cầu khác của BộGD&ĐT là các trường không tổ chức kiểm tra định kỳ với mục đích lấy điểm chính thức vào học bạ ngay khi học sinh mới trở lại trường. Vì trong thời gian học trực tuyến, có thể có em gặp khó khăn, việc thay đổi trạng thái học tập sẽ gây tâm lý lo lắng, căng thẳng cho học sinh. Nếu kiểm tra và kết quả không tốt sẽ khiến trẻ gặp áp lực.

BộGD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường “kích hoạt” hệ thống tư vấn tâm lý học đường nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu tổn thương, rối loạn tâm lý của trẻ sau một thời gian dài không đến trường. Tại một số trường học ở Hà Nội, việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý được thực hiện đồng thời với cả học sinh, phụ huynh và giáo viên, vì các đối tượng này đều có thể chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và có ảnh hưởng lẫn nhau nếu rơi vào những áp lực, tổn thương tinh thần.

“Sau khi ổn định nềnếp học sinh, chúng tôi mới rà soát để đánh giá chung vềchất lượng dạy học trực tuyến và có biện pháp bù đắp để đảm bảo yêu cầu, đồng thời hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn”, cô Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, HN) chia sẻ. Cô Huyền cho biết, thời gian tới trường sẽ bố trí giáo viên riêng để dạy trực tuyến cho những học sinh là F0, F1. Mỗi khối lớp sẽ duy trì 1 lớp học trực tuyến như thế cho tới khi không còn học sinh nào phải cách ly.

Cô Thu Hằng, giáo viên một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (HN) chia sẻ, nhà trường đã thống nhất với giáo viên chủ nhiệm vềviệc chú ý tổ chức các hoạt động đầu giờ học, ngay trong tiết học, trong buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần để trẻ được tương tác nhiều hơn. “Phụ huynh rất quan tâm tới việc trẻ trở lại trường và chúng tôi sẽ kết hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động có ý nghĩa cho học sinh trong thời gian tới”, cô Hằng cho biết.

Trong ngày đầu tiên đi học trở lại, nhiều trường tiểu học đã tổ chức “lễ đón học sinh lớp 1”, điều mà lẽ ra những em bé lần đầu cắp sách đến trường phải được đón nhận từ 7 tháng trước. 

Tổ chức bán trú theo nguyên tắc tự nguyện

Sở GD&ĐT lưu ý các trường tổ chức bán trú và dạy học 2 buổi/ngày, trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Theo đó, các trường căn cứ vào tình hình và điều kiện của từng đơn vị để xây dựng phương án tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh đi học trực tiếp, đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của đơn vị và nguyện vọng của phụ huynh, chủ động báo cáo và xin ý kiến phê duyệt của UBND các quận, huyện, thị xã.

 

KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc