Ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào Việt Nam: (Bài 1) Gia tăng sử dụng ở thanh thiếu niên

VHO - Năm 2015, các nghiên cứu, khảo sát về tình hình sử dụng thuốc lá ở lứa tuổi thanh thiếu niên chưa ghi nhận số liệu đối tượng này sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá điện tử - TLĐT). Nhưng báo cáo nghiên cứu năm 2021 – 2022 cho thấy, tỉ lệ sử dụng TLĐT của học sinh 13 – 15 tuổi là 3,5%, đặc biệt ở thành phố tỉ lệ này là 8,35%.

Dễ như mua TLĐT

Mặc dù TLĐT không được cấp phép thương mại tại Việt Nam nhưng thực tế lại bị nhập lậu và bày bán công khai trên thị trường, trên các website, mạng xã hội dành cho giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok... Và những hình ảnh, lời quảng cáo, cửa hàng, cách thiết kế một cách hiện đại, cuốn hút để nhắm vào giới trẻ.

Ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào Việt Nam: (Bài 1) Gia tăng sử dụng ở thanh thiếu niên - Anh 1

Thuốc lá điện tử được quảng cáo, rao bán công khai

Chỉ cần search từ TLĐT trên mạng facebook sẽ hiện ra hàng chục hội nhóm công khai hay kín liên quan đến việc trao đổi thông tin, mua bán, kết nối người dùng, xây dựng cộng đồng chuyên biệt tạo xu hướng trong nhóm trẻ để thúc đẩy sử dụng sản phẩm. Trong khi đó, nếu vào cửa hàng TLĐT công khai thì thiết kế nhằm thu hút giới trẻ lại càng được thể hiện rõ ràng. Đó là những thiết kế nội thất hiện đại, đẹp như cửa hàng bán đồ công nghệ hay quán cà phê, các poster quảng cáo cỡ lớn; người bán hàng là thanh niên, nữ giới với phong cách thời trang sành điệu hoặc theo xu hướng hiện hành mà giới trẻ thường “trầm trồ” là “ngầu”, là “chất”. Bên cạnh đó, các cửa hàng này cũng tiến hành chương trình dùng thử, tặng sản phẩm để lôi kéo khách hàng.

Nói về việc tiếp cận loại sản phẩm chưa được cấp phép tại Việt Nam, một thiếu niên cho biết, không khó khăn gì để mua các loại TLĐT, muốn mua loại nào cũng có. “Cháu vào group Hội những người dùng, chơi TLĐT có thể đặt, mua và được ship tận nơi, chỉ cần có tiền là mua được”, thiếu niên này cho biết. Trong khi đó, những nội dung quảng cáo cũng tác động gây sự kích thích, tò mò của học sinh. “Những clip quảng cáo sản phẩm TLĐT mới, các loại hương vị khiến cháu tò mò. Quảng cáo thuốc lá nhưng lại không giống quảng cáo thuốc lá truyền thống vì thuốc lá truyền thống ít khi quảng cáo thuốc lá trên mạng xã hội. Đa số các cửa hàng mua về và tự quảng cáo trên mạng xã hội với các kiểu kỹ thuật nhả khói cùng với những lời bình luận của người dùng như đáng tiền nhỉ, hút ngon nhỉ, rẻ mua luôn… nên cháu cũng mua dùng thử hoặc tập thử”, nam sinh lớp 9 quận Thanh Xuân, Hà Nội  kể.

TLĐT không chỉ làm “đau đầu” nhà quản lý mà còn là mối lo lắng cho các bậc phụ huynh. Có con học lớp 8, chị T.K.T (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tá hoả khi phát hiện con mình mua TLĐT online. Chị cho biết, nhà gần trường nên con chị thường tự đi học, con cũng không có điện thoại hay xe đạp, xe máy để đi đâu xa nên chị khá yên tâm. Tuy nhiên, một lần tình cờ “kiểm soát” tin nhắn của con trên mạng, chị hoảng hốt thấy con đặt mua TLĐT với giá 250.000 đồng, và hẹn mang đến tận nhà để giao.

“Khi tôi hỏi con tại sao lại sử dụng TLĐT, con trả lời rằng, con có biết tác hại của TLĐT nhưng chỉ dùng mỗi khi thấy áp lực, căng thẳng. Tôi cảm thấy nếu không có biện pháp hiệu quả thì con mình chẳng bao lâu nữa sẽ lệ thuộc vào TLĐT”, chị T.K.T tâm sự.  

Cần bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của TLĐT

Theo kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chung là 0,2%, chưa ghi nhận sử dụng ở thanh thiếu niên. Chỉ 4 năm (năm 2019) tỉ lệ hiện đang hút TLĐT trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6% (theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019” của Tổ chức Y tế thế giới.

Ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào Việt Nam: (Bài 1) Gia tăng sử dụng ở thanh thiếu niên - Anh 2

Tỉ lệ nữ hút thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng

Đặc biệt, Việt Nam vốn là quốc gia có tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu thấp hơn rất nhiều so với nam giới, tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm TLĐT nhắm đến nữ giới và trẻ em, tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, nữ hút thuốc lá tăng từ 0,9% năm 2014 lên 1,6% năm 2022.

Trước thực trạng này, Ths.Bs Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết: Bản chất các sản phẩm TLĐT có chứa chất gây nghiện nicotine, ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và tạo thế hệ những người hút thuốc lá mới. “Do vậy, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm TLĐT để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên, không nên cho phép thí điểm lưu hành các sản phẩm này trên thị trường”, bà Nguyễn Thị An nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, TLĐT có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Qua phản ánh của các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế tối đa vấn nạn TLĐT ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe và giám sát các hoạt động trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở yêu thương, tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. Cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện; tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất ở học sinh như nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc