Đợt sóng nhiệt lan rộng về phía Đông châu Âu

VHO - Ngày 2.7, nắng nóng dữ dội tại khu vực Tây Âu có phần dịu bớt, song lại di chuyển về phía Đông, khiến nhiều quốc gia Trung và Đông Âu phải phát cảnh báo cực đoan khi nhiệt độ tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm.

Theo cơ quan khí tượng Meteo France, nhiệt độ tại Pháp đạt đỉnh trong ngày 1.7.2025, với một số khu vực có thể vượt quá 40 độ C. Đây là lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua. Ảnh: AA/TTXVN
Theo cơ quan khí tượng Meteo France, nhiệt độ tại Pháp đạt đỉnh trong ngày 1.7.2025, với một số khu vực có thể vượt quá 40 độ C. Đây là lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua. Ảnh: AA/TTXVN

Tại Đức, Cơ quan Khí tượng quốc gia (DWD) phát đi cảnh báo nắng nóng trên toàn quốc, dự báo nhiệt độ cao nhất có thể chạm ngưỡng 40 độ C trong ngày. Hãng đường sắt quốc gia Deutsche Bahn cho biết các dịch vụ tàu có thể bị gián đoạn do nhiệt độ tăng cao, đặc biệt ở miền Tây. Ở miền Bắc nước Đức, sức nóng đã làm mặt đường cao tốc bị phồng rộp, gây nguy hiểm cho tài xế. Tại Berlin, nhiệt độ đã lên tới 26 độ C lúc 8h30 sáng 2.7 (giờ địa phương), khiến nhiều lao động phải làm việc trong điều kiện "như một phòng xông hơi".

Tại Pháp, theo cơ quan khí tượng Meteo-France, nhiệt độ ở thủ đô Paris đã lên tới 40 độ C ngày 1.7 trước khi giảm nhẹ xuống 35 độ C vào ngày 2.7 và dự kiến hạ còn 28 độ C vào ngày 3.7 nhờ gió mát từ Đại Tây Dương có khả năng mang theo dông bão. Dù vậy, đợt nắng nóng đã khiến 300 người phải nhập viện và khiến hơn 2.000 trường học đóng cửa vào ngày 1.7. Sang thứ Tư, còn khoảng 135 trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tại Hà Lan, quốc gia này đã ghi nhận “đêm nhiệt đới” đầu tiên trong năm khi nhiệt độ không giảm dưới 20 độ C đêm 1.7 rạng sáng 2.7.

Tại Romania, Cơ quan Khí tượng quốc gia (ANM) đã ban hành cảnh báo màu vàng cho 15 hạt thuộc các vùng phía Tây và Nam vào ngày 3.7 với dự báo nhiệt độ dao động từ 33–37 độ C, chỉ số nhiệt ẩm có thể vượt ngưỡng nguy hiểm 80 đơn vị. Dự báo đợt nắng nóng sẽ còn gia tăng và lan rộng khắp Romania vào ngày 4.7 với nguy cơ tháng 7 nóng và khô hạn hơn mức trung bình nhiều năm.

Tình hình tại Tây Ban Nha cũng đáng lo ngại khi một vụ cháy rừng dữ dội ở Catalonia đã khiến 2 người thiệt mạng, phá hủy nhiều trang trại và thiêu rụi khoảng 40 km vuông. Các nhà chức trách đang điều tra liệu cái chết của một lao công quét dọn đường phố ở Barcelona cuối tuần trước có liên quan đến nắng nóng hay không. Tây Ban Nha đã trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, trong khi Pháp ghi nhận tháng 6 nóng nhất kể từ năm 2003.

Tại Italy, chính quyền đã ban bố cảnh báo đỏ ở 18 thành phố, trong đó Florence dự kiến chịu mức nhiệt cao nhất 39 độ C. Tại Thụy Sĩ, một lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Beznau đã phải đóng cửa, lò còn lại giảm công suất một nửa do nhiệt độ nước sông dùng để làm mát tăng quá cao.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, biến đổi khí hậu do con người gây ra khiến các đợt nắng nóng ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng — đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương với các nguy cơ như mất nước, chuột rút, đau đầu, buồn nôn và nghiêm trọng nhất là sốc nhiệt có thể dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu kinh tế Allianz Research, các đợt nắng nóng kỷ lục năm nay có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của châu Âu khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025. Allianz so sánh một ngày nhiệt độ trên 32 độ C với nửa ngày đình công về mức thiệt hại kinh tế. Thiệt hại ước tính dao động từ 0,1 điểm phần trăm ở Đức, 0,3 điểm ở Pháp, cho tới 1,4 điểm ở Tây Ban Nha — nơi nhiệt độ mùa Hè cao hơn mức trung bình tới 10 độ C. Các quốc gia khác như Trung Quốc, Italy và Hy Lạp cũng có thể chứng kiến GDP giảm gần 1 điểm phần trăm, trong khi Mỹ có thể mất khoảng 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng.

Ngoài ra, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo căng thẳng nhiệt sẽ làm giảm 2,2% tổng số giờ lao động tiềm năng toàn cầu vào năm 2030. Allianz kêu gọi các thành phố và doanh nghiệp cần có các biện pháp cấu trúc dài hạn để thích ứng, giảm thiểu mất mát năng suất do sóng nhiệt kéo dài.

Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc