Ngẫm về “mỹ tục” quà biếu

ĐỖ CAO HUYỀN

VHO - Dạo gần đây, mỗi khi năm học mới bắt đầu, mạng xã hội lại ngập tràn những câu chuyện bi hài về giáo dục. Đặc biệt, càng gần đến ngày 20.11, nhiều hội nhóm kín, hở lại càng rộn ràng tung “sao kê” những khoản quỹ lớp để cùng nhau “tham luận”: Có người thắc mắc “Sao chi quà nhiều thế?”, người đặt câu hỏi “Tặng cả bảo vệ có cần thiết không?”…

 Những ý kiến ấy, dù đúng dù sai đều kéo theo hàng trăm, hàng nghìn bình luận công kích, thậm chí mạt sát, miệt thị bằng những lời lẽ cay độc. Bầu không khí tiêu cực khiến người viết không khỏi chạnh lòng nhớ về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, liệu giá trị ấy có còn nguyên vẹn, hay đã phai mờ theo tháng năm? 

 Ngược về những ngày xưa cũ, “biếu quà” nhân dịp lễ tết hay tri ân thầy đồ không chỉ là “mỹ tục” mà còn là biểu tượng cao đẹp của lòng biết ơn. “Không thầy đố mày làm nên”, thầy đồ vừa là người dạy chữ “Thánh hiền”, vừa thay mặt cha mẹ uốn nắn nhân cách, rèn dũa đường ăn nết ở cho học trò, vì thế học trò phải có nghĩa vụ “sống tết, chết giỗ” đối với thầy. Theo sách Việt Nam phong tục của cụ Phan Kế Bính, người Việt thường có lệ biếu quà để qua đó tỏ lòng chung thủy, biết ơn. Tết đến, học trò không bao giờ được quên thầy dạy và họ phải có bổn phận thể hiện lòng biết ơn một cách chu toàn. Quà biếu cũng chẳng đáng là bao, chỉ là những sản vật tự làm ra, nhưng người xưa đã gửi gắm trong đó biết bao kỳ vọng tốt đẹp cho tương lai. Ai cũng tâm niệm “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, nên mùa nào thức nấy, cứ vào dịp lễ trọng là các gia đình lại sửa sang quà cáp chu đáo biếu thầy. 

Thuở ấy, có những thầy đồ không nhận thù lao, nhưng đổi lại, học trò cùng nhau góp sức giúp thầy cày bừa, cấy hái, chăn nuôi; sau thành đạt thì quay về xây nhà, mua ruộng biếu thầy. Khi thầy qua đời, họ để tang như con cháu trong nhà, chung tay xây lăng, dựng đền thờ để tưởng nhớ công ơn thầy. Đó không chỉ là tấm lòng tri ân mà còn thể hiện sự gắn bó thiêng liêng giữa thầy và trò, một mối quan hệ mà tiền bạc không thể nào đo đếm được. 

Còn nhớ những năm tháng bao cấp nghèo khó, dịp 20.11 chính là ngày hội lớn nơi học đường, học trò nô nức túm năm tụm ba lên kế hoạch biểu diễn văn nghệ, góp tiền mua quà, bàn nhau ngày ấy cả lớp đến thăm thầy cô. Lũ trò nhỏ chúng tôi dắt díu nhau đi bộ hàng chục cây số mới đến được nhà thầy, tay lễ mễ bưng túi cam, bó hoa bươm bướm bọc trong giấy báo hay những cây dừa được kết bằng phim... Vật chất tuy đơn sơ, nhưng gửi trọn trong đó là tấm lòng biết ơn hết mực trong sáng dành cho thầy giáo của mình. Có năm, tìm được nhà thầy thì đã sâm sẩm tối, mấy đứa thi nhau kêu đói, thế là thầy cô vội vàng bổ cam, cắt chuối ra mời, và kết quả là những món quà mang biếu thầy đã bị “xử đẹp” trong chớp mắt. Đó thực sự là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí người viết về quãng tuổi thơ hồn nhiên, tươi đẹp của một thời đất nước còn gian khó. 

Trở về với xã hội đương thời, khi đời sống vật chất dần nâng cao, ý nghĩa của việc biếu quà cũng dần thay đổi. Những món quà giản dị năm xưa được thay thế bằng phong bì “polyme”, món đồ công nghệ hiện đại hay thậm chí là “ting ting” qua mạng. Dù đó là hệ quả tất yếu của thời phát triển, nhưng đôi khi, ý nghĩa tri ân lại bị lu mờ bởi tính thực dụng. Nhiều phụ huynh và học sinh tranh cãi nhau kịch liệt “biếu bao nhiêu là đủ” hay “cần tặng những ai”... Khi không tìm được tiếng nói chung, họ không ngại ngần đăng đàn bóc phốt nhau để rồi làm tổn thương chính những người đã và đang cần mẫn gieo mầm tri thức cho con em mình. 

Đáng buồn hơn, sự công kích ấy không chỉ phản ánh sự xuống cấp trong cách hành xử mà còn làm xói mòn giá trị đạo đức. Người thầy nếu có sai sót, pháp luật sẽ xử lý; nhưng học trò mà dùng những lời lẽ hằn học, hỗn hào để đấu khẩu với thầy cô hay phụ huynh kéo “500 anh em” vào trường chửi nhau như phường chợ búa là điều không thể chấp nhận… Nó không chỉ làm rạn nứt mối quan hệ thầy trò, mà còn tạo ra một thế hệ trẻ sống thờ ơ, vô cảm, thực dụng, sẵn sàng giẫm đạp nên những giá trị truyền thống, những “thuần phong mỹ tục” bao đời của dân tộc Việt Nam. 

Người viết thiển nghĩ, khi chúng ta đang hướng tới một “xã hội học tập suốt đời”, thì ngày “Hiến chương các nhà giáo” không chỉ là dịp để tri ân thầy cô mà còn là cơ hội để tất cả chúng ta cùng tôn vinh tri thức. Những món quà, dù bình dị hay cao sang, đều không quan trọng bằng lòng chân thành và sự kính trọng thực sự. Hãy để những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy được lan tỏa, trở thành nguồn động viên, khích lệ thầy cô tiếp tục vững bước trên hành trình “trồng người”. 

Mong rằng, trong dịp 20.11 sắp tới, mỗi học trò đều nhận thức được ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “hiến chương”, để truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc được gìn giữ, phát huy và mãi là ánh sáng soi đường cho các thế hệ tương lai. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc