Nâng cao vị thế giáo viên dạy bộ môn Nghệ thuật trong trường phổ thông

THANH THANH

VHO - Ngày 21.8, Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam” đã diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nâng cao vị thế giáo viên dạy bộ môn Nghệ thuật trong trường phổ thông - ảnh 1
Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam” đã diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Hội thảo do Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì tổ chức, đã thu hút sự quan tâm, tham gia và chia sẻ ý kiến tâm huyết của các giảng viên, chuyên gia...

Đây là những ý kiến góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giáo dục nghệ thuật nhằm mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, đủ đức, đủ tài để xây dựng đất nước.

 PGS.TS Dương Minh Lam (Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018, các môn nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mỹ thuật đã được xác định đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mỹ của học sinh để đào tạo thế hệ trẻ trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0.

Với vai trò là một trong những cơ sở đầu ngành, trọng điểm về đào tạo giáo viên lịch sử và nghiên cứu về lý luận, phương pháp dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam”.

Nâng cao vị thế giáo viên dạy bộ môn Nghệ thuật trong trường phổ thông - ảnh 2
Các đại biểu tham dự Hội thảo

TS. Trần Thị Thu Hà (Trưởng Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá đúng thực trạng đào tạo Nghệ thuật ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thời, xác định rõ vị trí, vai trò của giáo viên Nghệ thuật, môn học Âm nhạc, Mỹ thuật trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam; đề xuất, trao đổi các định hướng phát triển và đóng góp của giáo dục nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển con người.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia và đóng góp tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học từ các CLB,  hệ thống các học viện, viện nghiên cứu và trường cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, thu hút đông đảo các giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật tại các nhà trường phổ thông, các học viên cao học, các nhà nghiên cứu trẻ.

 “Số lượng đông đảo và sự đa dạng của các tham luận gửi về Hội thảo cho thấy mối quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, thầy cô giáo... đối với chủ đề này.

Các báo cáo đã đưa lại một bức tranh đa diện về Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất năng lực trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam…”, TS. Trần Thị Thu Hà cho biết.

 Hội thảo tập trung vào ba nội dung chính: Đội ngũ giáo viên Nghệ thuật, Giáo dục Nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Môn Nghệ thuật trong Nhà trường phổ thông.

Nâng cao vị thế giáo viên dạy bộ môn Nghệ thuật trong trường phổ thông - ảnh 3
TS. Trần Thị Thu Hà (Trưởng Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phát biểu tại Hội thảo

Chủ đề “Đội ngũ giáo viên Nghệ thuật” cho thấy một bức tranh tổng thể về đào tạo giáo viên Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) tại các cơ sở giáo dục Nghệ thuật trong cả nước hiện nay.

Phần lớn các bài viết đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm khắc phục thực trạng này.

Chủ đề “Giáo dục Nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018” là hướng nghiên cứu có những góc nhìn mới mẻ, mang tính đóng góp quan trọng đối với nội dung hội thảo, cũng là nội dung thu hút sự tham gia đông đảo nhất của các nhà khoa học.

Ở Chủ đề 3: "Môn Nghệ thuật trong Nhà trường phổ thông", nhiều tham luận đề cập thực trạng và giải pháp về sự thiếu hút đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học môn Nghệ thuật; quan điểm của đội ngũ nhà giáo về việc triển khai môn Nghệ thuật, thực trạng và giải pháp về dạy học Nghệ thuật ở trường phổ thông…

Điểm cơ bản của giáo dục nghệ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 so với chương trình giáo dục phổ thông 2006 là sự đổi mới về định hướng, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh.

Đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kỹ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mỹ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh.

Nâng cao vị thế giáo viên dạy bộ môn Nghệ thuật trong trường phổ thông - ảnh 4
PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học đánh giá cao ý nghĩa, sự cần thiết và nội dung Hội thảo

Giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật. Từ lớp 10- 12, học sinh được lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật phù hợp định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết, có giá trị về mặt giáo dục nói chung và giáo dục Âm nhạc - Mỹ thuật nói riêng, làm rõ các cơ sở khoa học tin cậy, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giáo dục nghệ thuật.

Theo TS. Phạm Văn Giáp (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên ngành nghệ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng khiếu và sở thích nghệ thuật của người học.

Người giáo viên giảng dạy chuyên ngành nghệ thuật không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức chuyên ngành mà còn là người truyền cảm hứng sáng tạo cho người học. Họ có vai trò trọng yếu trong việc định hướng tư duy thẩm mỹ đời sống xã hội cho người học, các năng lực, phẩm chất của chuyên ngành nghệ thuật đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học thuộc các chuyên môn và cấp học.

Từ thực tiễn công tác giáo dục trong nhà trường, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng Vũ Thị Thu Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, bộ môn nghệ thuật luôn bị coi là bộ môn thứ yếu trong trường phổ thông hiện nay. Nâng cao vị thế người thầy dạy bộ môn Nghệ thuật thực sự là cần thiết trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính vì vậy cần phải có biện pháp tạo động lực cho giáo viên.

Nâng cao vị thế giáo viên dạy bộ môn Nghệ thuật trong trường phổ thông - ảnh 5
Các đại biểu tham dự hội thảo đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết, có giá trị về mặt giáo dục nói chung và giáo dục Âm nhạc - Mỹ thuật nói riêng

Theo bà Hà, cần có các biện pháp tạo động lực như: xây dựng văn hóa nhà trường, nâng cao vị thế người thầy dạy bộ môn Nghệ thuật; đổi mới hình thức tổ chức dạy học, dạy học dựa trên đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh. Có như vậy giáo viên bộ môn Nghệ thuật mới thực sự có chỗ đứng trong trường phổ thông.

TS. Phạm Văn Tuyến (Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, đào tạo giáo viên nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói triêng ở Việt Nam trong lộ trình đổi mới giáo dục hiện nay đã cho thấy sự thiếu tính thực tiễn, thiếu hụt trầm trọng đội ngũ giáo viên nghệ thuật.

Đội ngũ giáo viên đã đào tạo trước đây chưa đủ năng lực để đảm nhiệm tất cả các nội dung giáo dục được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt với nội dung giáo dục ở cấp Trung học phổ thông. Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo giáo viên chưa nắm vững Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do vậy đã xảy ra những bất cập với nguy cơ để lại hệ quả nhiều năm.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc