Giáo viên vừa thiếu, vừa thừa cục bộ
VHO- Theo số liệu từ Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2023-2024 tới đây, TP tăng trên 35.000 học sinh và dự kiến cần tuyển thêm tới 4.500 giáo viên các cấp. Trước đó, thống kê tại Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP.HCM cũng cho thấy, tính đến tháng 5.2023, toàn quốc còn thiếu trên 64.500 giáo viên.
Cả nước còn thiếu gần 33.000 giáo viên tiểu học nhưng lại thừa cục bộ trên 2.300 giáo viên (ảnh minh họa)
Không đủ nguồn để tuyển
Năm 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học (bắt buộc) ở lớp 3; Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, vì thế số lượng giáo viên các môn học này rất thiếu. Cùng với đó là việc cắt giảm biên chế, bỏ việc, nghỉ hưu nhưng tuyển mới khó khăn… đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên càng trầm trọng hơn.
Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), xu thế giáo viên phổ thông (GVPT) nghỉ việc trong những năm qua đang tăng lên, trung bình mỗi năm khoảng 10.000 người; số GVPT nghỉ hưu từ nay đến 2026 khoảng 12.000 người. Có thể thấy, nhu cầu về GVPT rất lớn, tính riêng các trường công lập, từ nay đến 2026 cần thêm trên 106.500 người (trên 64.500 bù đắp phần còn thiếu, 30.000 bù cho số giáo viên nghỉ việc và 12.000 cho giáo viên nghỉ hưu, đó là chưa kể đến tình trạng tăng dân số tự nhiên và tăng số lớp tiểu học dạy 2 buổi/ ngày). Do đó, vấn đề đào tạo giáo viên trong thời gian tới cần được tính toán để đáp ứng đủ nguồn tuyển, nhất là đối với các môn mới, môn học đặc thù như Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật…
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, số học sinh trong năm học 2023- 2024 tăng nhiều ở cấp học THCS, THPT, tập trung tại TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Bởi đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng cơ học cao. Hiện trên địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, hiện nay các trường THPT chưa có giáo viên Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) để học sinh lựa chọn môn học theo quy định trong Chương trình GDPT 2018. Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THCS có trình độ đại học trở lên vẫn chưa đủ để bố trí giảng dạy nên rất khó điều động đội ngũ này dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT. Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học chưa kịp đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng…
Đề xuất chính sách thu hút nhân lực
Liên quan đến cấp tiểu học, Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, cả nước còn thiếu gần 33.000 giáo viên tiểu học nhưng lại thừa cục bộ trên 2.300 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; xảy ra do nhiều nguyên nhân: Quy mô trường, lớp, học sinh tăng, đặc biệt là ở các khu công nghiệp và đô thị; thiếu biên chế; thiếu cơ chế thu hút; thiếu nguồn tuyển... Nhiều địa phương do thực hiện việc tuyển dụng chưa kịp thời, mỗi năm chỉ tuyển 1 đợt, cá biệt có địa phương 2 năm hoặc hơn mới tổ chức tuyển dụng nên không giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên ở các trường; nguồn tuyển bị hạn chế do sinh viên phải tìm kiếm việc làm ở những nơi khác hoặc làm ngành nghề khác…
Ở cấp tiểu học, Tin học và Ngoại ngữ là các môn học mới, bắt buộc học từ lớp 3. Theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 thì từ nay đến năm học 2024-2025, cả nước cần tuyển thêm 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ cấp tiểu học để dạy chương trình bắt buộc ở các lớp 3, 4 và 5. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, với việc mở thêm 4 ngành đào tạo giáo viên mới là Sư phạm khoa học tự nhiên, Sư phạm công nghệ, Giáo dục công dân, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, trường đã có tổng số 22 chương trình đào tạo giáo viên; tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đủ để phục vụ Chương trình GDPT 2018.
Tại tỉnh Hậu Giang, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hoài Thúy Hằng, để thu hút, giữ chân giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học và Âm nhạc, Mỹ thuật, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết với việc hỗ trợ 50 triệu đồng cho giáo viên dạy các môn học nói trên ở các tỉnh khác về công tác và giáo viên mới ra trường tại Hậu Giang. “Chúng tôi mới áp dụng vào năm học 2022-2023, thu hút được hơn 10 giáo viên, chủ yếu tập trung vào môn Tiếng Anh và Tin học, môn Nghệ thuật hầu như không có”, bà Hằng thông tin.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT TP.HCM dự kiến đề xuất giải pháp: Chi hỗ trợ cho giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng trong năm đầu tiên là 100%; năm thứ hai là 70%; năm thứ ba là 50%; mức chi hỗ trợ này thực hiện một lần cho một người. Bên cạnh đó, tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học hằng tháng là 25%; tăng ngân sách dành cho giáo dục để có chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm bảo cuộc sống ổn định để họ yên tâm công tác…
ANH HUY