Một ca ghép tạng được BHYT chi trả như thế nào?

Q.HOA

VHO - Hiện nay, 26 bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện ghép tạng thành công và đưa nước ta trở thành điểm sáng về ghép tạng trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, trong đó là vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim.

Ngày 12.6 tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức hội thảo Xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động, lấy, điều phối, ghép mô tạng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, lãnh đạo bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng.

Một ca ghép tạng được BHYT chi trả như thế nào? - ảnh 1
Một ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trước năm 2023, Việt Nam chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Để có được thành công đó cũng nhờ vào việc vận động, tăng cường nguồn hiến mô, tạng từ người hiến chết não, chết tim. Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.

Đó là chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim. Hiện nay trên cả nước chỉ có 23 bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, trong số đó, số lượng các tổ vấn hoạt động hiệu quả không nhiều, nguyên nhân là chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp, các bệnh viện chưa thực sự quan tâm về việc thành lập tổ tư vấn cũng như thúc đẩy hoạt động của Tổ tư vấn.

Ngoài ra, các chi phí cho các hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng cũng như các chi phí để thực hiện dịch vụ kỹ thuật liên quan tới ghép tạng vẫn chưa được xây dựng thống nhất, khiến cho các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán các khoản chi phí này.

Tại hội thảo, lãnh đạo các bệnh viện đã thông tin chi phí cho một bệnh nhân ghép tạng. Trong đó, ghép phổi có chi phí cao nhất, từ 1 – 2 tỉ đồng. TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương cho biết, một bệnh nhân ghép phổi tại bệnh viện có tổng chi phí hơn 1,3 triệu đồng thì BHYT chi trả khoảng 663 tỷ đồng, người bệnh đồng chi trả hơn 376 tỷ đồng, nhưng bệnh nhân chỉ có khả năng chi trả 303 tỷ đồng, phần còn lại 333 tỷ đồng Bệnh viện phải tự chi trả, vì không nằm trong danh mục nào cả.

Một ca ghép tạng được BHYT chi trả như thế nào? - ảnh 2
Những chi phí cho nguồn tạng từ người sống được chia sẻ tại hội thảo

Một bệnh nhân khác, có tổng chi phí ghép phổi  hơn 1,1 tỷ đồng, sau khi được BHYT chi trả (633 tỷ đồng), người bệnh đồng chi trả, kêu gọi nhà tài trợ... thì Bệnh viện vẫn phải chi trả cho bệnh nhân gần 179 tỷ đồng.

Tương tự, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cũng chia sẻ những khó khăn về chi trả, thanh toán cho việc ghép thận. Ông cho rằng, nhiều kỹ thuật không năm trong danh mục kỹ thuật được BHYT chi trả như việc đánh giá, xét nghiệm ở người hiến sống, toàn bộ chi phí đều do người nhận chi trả; chi phí cắt thận hay hồi phục sau mổ cũng không được BHYT chi trả. Tổng chi phí cho một ca nhận thận từ người sống khoảng 175 triệu đồng, còn người hiến phải trả là 40 triệu đồng.

Có trường hợp chi phí cho bệnh nhân là 180 triệu đồng, và chi phí cho người hiến sống là 80 triệu đồng.  Đối với người hiến chết não thì BHYT không thanh toán chi phí chẩn đoán chết não...

Theo các bác sĩ, để ngành ghép mô – tạng phát triển thì cần có cơ chế và tăng cường nguồn hiến tạng, và có những chính sách, chế độ để động viên họ. Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đề xuất, cần nhanh chóng xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán, áp dụng chung cho tất cả các cơ sở y tế trong cả nước

Thành lập quỹ hỗ trợ nhân đạo, để giúp phần nào khó khăn cho người bệnh, người hiến và giảm áp lực cho cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép

Có chính sách thanh toán toàn bộ chi phí lấy tạng, chăm sóc hồi phục sức khoẻ ngay sau khi hiến và định kỳ kiểm tra sức khoẻ ngay tại cơ sở y tế đã hiến tạng hoặc nơi gần nhất thuận lợi cho người hiến.

“Cần có quy định tôn vinh người đã hiến mô, tạng khi còn sống, cấp BHYT suốt đời và thẻ BHYT này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp và được thanh toán ở hạn mức cao nhất 100%; kèm theo các chế độ ưu đãi đặc thù khác, khen thưởng.

Xây dựng cụ thể cơ chế thanh toán chi phí điều trị và hồi sức cho người hiến tạng chết não, chi phí đánh giá chức năng tạng, phẫu thuật lấy tạng, vận chuyển tạng (tàu xe, máy bay, bác sĩ, kỹ thuật viên…).

Bố mẹ, vợ (chồng), con của người hiến tạng sau khi chết được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời và được thanh toán ở hạn mức cao nhất; được ưu tiên nhận tạng trong trường hợp không may mắc bệnh cần ghép tạng. Xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ nuôi con người hiến tạng sau khi chết đến đủ 18 tuổi”, bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh.