Mở rộng độ tuổi tiêm vắcxin phòng bệnh sởi cho trẻ em dưới 1 tuổi

LÊ DUY

VHO - Hiện nay đang gia tăng nhanh trẻ mắc sởi nhưng chưa đến tuổi tiêm chủng. Theo các chuyên gia, dịch sởi năm 2024 gia tăng là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỉ lệ tiêm chủng thấp. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã mở rộng độ tuổi tiêm vắcxin phòng sởi bắt đầu từ 6 - 9 tháng.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong tuần 48 (25.11 – 1.12), số ca mắc sởi của TP.HCM vẫn tiếp tục gia tăng trong nhóm từ 10 đến 14 tuổi, từ 6 tháng đến 9 tháng tuổi và ghi nhận thêm 01 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi nặng nhiễm trùng huyết hậu trên một trẻ 12 tháng tuổi bị tật thiểu sản phổi bẩm sinh.

Mở rộng độ tuổi tiêm vắcxin phòng bệnh sởi cho trẻ em dưới 1 tuổi - ảnh 1
Bộ Y tế đã mở rộng độ tuổi tiêm vắcxin phòng sởi bắt đầu từ 6 - 9 tháng cho trẻ

Cụ thể, trong tuần 48, TP.HCM ghi nhận 319 ca bệnh sởi, tăng 58,1% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, có 180 ca nội trú (tăng 36,6%) và 180 ca ngoại trú (tăng 98,6%). Số trường hợp mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng ở nhóm 6 – 9 tháng và nhóm trẻ từ 11 – 14 tuổi; số ca nhiễm thuộc nhóm 1-10 tuổi không tăng.

Đáng chú ý, đã có một trường hợp sởi tử vong là trẻ 12 tháng tuổi chưa được tiêm vắcxin sởi do cơ địa suy dinh dưỡng và bị tật thiểu sản phổi phải bẩm sinh. Đây là một bé nữ, sinh tháng 11.2023, ngụ tại phường Linh Chiểu Thành phố Thủ Đức, điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 từ ngày 20 – 28.11với chẩn đoán nhiễm trùng huyết - viêm phổi nặng hậu sởi, có xét nghiệm MAC ELISA Sởi dương tính. Trường hợp tử vong này một lần nữa là lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh sởi có thể gây ra và sự cần thiết của việc tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là ở các nhóm có nguy cơ biến chứng nặng khi mắc sởi. Nhiều trường hợp trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng đã mắc sởi.

Như vậy, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 2.438 ca bệnh sởi, bao gồm 1.752 ca nội trú và 686 ca ngoại trú, đã có 4 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, số ca bệnh sởi từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn Thành phố cũng gia tăng với 574 ca, tăng 29,3% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 342 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 4.242 ca, bao gồm 3.219 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại bệnh viện của TP.HCM.

Thống kê từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh, TP phía Nam đã ghi nhận 19 nghìn ca mắc sởi, tăng gấp 56,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại Hà Nội, theo CDC Hà Nội, cộng dồn năm 2024 cũng ghi nhận 259 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó, 75 trường hợp dưới 9 tháng (29,0%); 47 trường hợp 9 - 11 tháng (18,1%), 85 trường hợp 1 - 5 tuổi (32,8%), 21 trường hợp 6 - 10 tuổi (8,1%)…

Số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng  chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin, hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.

Mở rộng độ tuổi tiêm vắcxin phòng bệnh sởi cho trẻ em dưới 1 tuổi - ảnh 2
Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh cho trẻ

Các chuyên gia cho rằng, dịch sởi năm 2024 gia tăng là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỉ lệ tiêm chủng thấp. Trước tình hình dịch sởi tăng nhanh, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vắcxin sởi cho trẻ em ngoài độ tuổi tiêm chủng (độ tuổi tiêm chủng sởi đối với trẻ em là từ 9 tháng - 10 tuổi). Ngày 6.11, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt việc triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP.

Để ứng phó với dịch sởi, TP.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi đơn cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Đến ngày 1.12, chiến dịch đã tiêm được 6.278 mũi (17,16% so với tổng số trẻ rà soát được). Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn. Đến nay, đa số quận, huyện báo cáo đã hoàn thành trên 100% chỉ tiêu tiêm chủng.

Tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo cần tiếp tục rà soát để đảm bảo không bỏ sót trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ. Đối với các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, ngành y tế cũng chỉ đạo tăng cường rà soát, tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ (bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính…) nếu không có chống chỉ định.

Từ đầu mùa dịch đến nay, số bệnh nhi mắc sởi dưới 9 tháng tuổi được ghi nhận là 349 trẻ, chiếm tỷ lệ 24% tổng số ca mắc, đặc biệt là ở nhóm từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đã góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này.

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã xây dựng chiến dịch tiêm vaccine sởi nằm ngoài Chương trình tiêm chủng quốc gia, mở rộng tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi và tổ chức tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi tại 18 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao. Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ tiêm chủng đạt 98%, các tỉnh gần như không phải mua vắcxin, mà hơn 1,2 triệu liều vắcxin tiêm cho các trường hợp này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ và đã tiêm hết.

“Bộ Y tế đã phê duyệt việc triển khai tiêm vắcxin sởi mở rộng cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi tại TP.HCM và đã tiêm đủ. Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch tiêm mở rộng độ tuổi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi ở nhiều địa bàn khác. Hiện có 30 tỉnh, thành phố xin bổ sung vào chương trình tiêm chủng chiến dịch và mở rộng độ tuổi từ 6-9 tháng. WHO đã có văn bản đồng ý bổ sung thêm 260 nghìn liều vaccine cho Bộ Y tế để tiêm cho độ tuổi 6-9 tháng”, ông Đức cho hay.

Theo WHO, vắcxin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi  như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vắcxin này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắcxin sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.