Quản lý vỉa hè, điểm trông giữ xe ở Hà Nội:
Mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng sinh hoạt người dân
VHO - Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng ô tô cá nhân đã tạo ra một áp lực khổng lồ lên hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, đặc biệt là các điểm đỗ xe ở Hà Nội. Thiếu nơi trông giữ phương tiện khiến giao thông, hạ tầng đô thị mất mỹ quan, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất là sự thiếu hụt trầm trọng các bãi đỗ xe ô tô, đặc biệt là tại các khu vực trung tâm thành phố.
Tình trạng này khiến người dân phải "chật vật" tìm kiếm chỗ đỗ xe, thậm chí phải đỗ xe trái phép trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.
Tình trạng này không chỉ là vấn đề về trật tự đô thị, mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Dạo quanh các tuyến phố Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng làm nơi trông giữ xe.
Nhiều tuyến phố trung tâm sầm uất cho đến những con ngõ nhỏ ở những khu vực xa trung tâm, đâu đâu cũng thấy xe máy, ô tô đỗ la liệt, thậm chí lấn chiếm cả lòng đường.
Điều này không chỉ gây cản trở giao thông, mà còn khiến người đi bộ phải "bất đắc dĩ" đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ đổ về trung tâm thành phố tăng đột biến.
Anh Phạm Cường (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mỗi một lần hẹn gặp đối tác ở trung tâm thành phố thường mất rất nhiều thời gian tìm chỗ đỗ xe ô tô. Có lúc hẹn khách ở một quán cà phê tại Đinh Liệt, anh phải ra Trần Quang Khải gửi xe rồi đi bộ khá xa để đến nơi hẹn.

Bên cạnh sự thiếu hụt về số lượng, giá cả dịch vụ trông giữ xe ô tô, xe máy cũng là một vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Giá cả không được niêm yết rõ ràng, thay đổi tùy theo thời điểm, địa điểm và thậm chí là "khuôn mặt" khách hàng.
Tại các điểm trông giữ xe tự phát, giá cả càng trở nên khó kiểm soát. Người dân thường xuyên phải trả những khoản phí "trên trời" cho việc gửi xe, đặc biệt là vào các dịp lễ tết hoặc tại các khu vực xung quanh phố đi bộ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần.

Cùng với đó, nhiều người dân bức xúc khi tại nhiều điểm trông giữ xe được cấp phép, phương tiện xếp kín lòng đường, vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, thậm chí ra giữa lòng đường.
Điển hình như tại khu vực ngõ 294 Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) đang tồn tại một điểm trông giữ xe của Công ty TNHH Vượng Thịnh Phát, được UBND quận Ba Đình cấp phép sử dụng tạm thời hè phố với diện tích sử dụng 60m2.

Trên biển dựng tại điểm trông giữ xe chỉ có diện tích 60m2, tuy nhiên, không hiểu vì sao điểm trông giữ xe này “bao trọn” vỉa hè từ đường Kim Mã vào sâu bên trong ngõ 294.
Những chiếc ô tô xếp thành hai hàng, 3 hàng đậu kín vỉa hè. Thậm chí quây kín vỉa hè cũng như điểm thu gom rác. Điều này khiến những chiếc xe thu gom rác bị “đẩy” xuống lòng đường.
Con ngõ 294 từ đường Kim Mã đi vào, lòng đường phía bãi đỗ xe của Công ty TNHH Vượng Thịnh Phát gắn biển không dừng, cũng không hiểu vì sao vẫn có những xe ô tô đỗ ngay trước chốt bảo vệ của điểm trông giữ xe này.

Bên trong ngõ 294 này không chỉ có người dân mà còn có trụ sở nhiều cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Mỗi buổi sáng và buổi chiều, khi tan làm, lượng phương tiện qua ngõ này rất khó khăn.
Một tài xế xe du lịch chỗ kể, có một đơn vị trong khu vực này thuê xe cho cả cơ quan đi công tác, anh vào đón khách vào sáng sớm, mất gần 30 phút mới quay đầu xe được.
Phóng viên báo Văn Hóa đã liên hệ với UBND phường Kim Mã cũng như Sở GTVT (trước khi hợp nhất với Sở Xây dựng) về điểm trông giữ xe này, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập trong trông giữ xe ô tô là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và quản lý. Việc quy hoạch các bãi đỗ xe chưa gắn liền với quy hoạch giao thông và phát triển đô thị.
Không chỉ có việc lộn xộn trông giữ phương tiện tại ngõ 294 Kim Mã, nhiều tuyến vỉa hè các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa... cũng đang thành nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ xe khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.

Nhiều khu vực vừa trở thành bãi để ô tô, xe máy, vừa là địa điểm kinh doanh. Để đi qua khu vực, người dân phải “luồn lách” đi bộ qua các phương tiện dừng đỗ hoặc chọn đi xuống lòng đường.
UBND thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, trong đó bổ sung 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện vào danh sách được trông giữ xe dưới lòng đường.

Tuy nhiên, quyết định của thành phố Hà Nội cũng quy định: Không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị, không gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động của hai bên đường phố.
Cùng với đó, đường tổ chức giao thông hai chiều, nếu rộng 10,5m thì cho phép trông giữ xe một bên; đường rộng từ 14m cho phép giữ xe hai bên.
Đường tổ chức giao thông một chiều nếu rộng tối thiểu 7,5m thì được trông xe bên phải phần xe chạy.

Điểm trông giữ xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m, xe đỗ thành hàng thuận theo chiều xe chạy; không cắm cọc, chăng dây rào chắn lòng đường, không cản trở lối đi dành cho người đi bộ tại các vị trí sang đường.
Mặt khác, không trông giữ xe trước mặt tiền của các công sở và một số tuyến phố đặc thù. Vị trí hè phố tổ chức trông giữ xe phải có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng phương tiện. Hạn chế khung giờ cao điểm 6 – 9h và 16 -19h30.
Như vậy, với việc bổ sung này, Hà Nội hiện có 234 tuyến phố được phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường.

Trong đó, quận Hoàn Kiếm có 42 tuyến phố, tiếp đến là quận Hai Bà Trưng với 32 tuyến, quận Cầu Giấy 26 tuyến, quận Long Biên 20 tuyến.
Mặc dù vậy, với lượng phương tiện như hiện nay, những tuyến phố, điểm trông giữ phương tiện này vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của người dân.
Những phương án, giải pháp hiện nay cũng chỉ mang tính tạm thời. Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và sự chung tay của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần có giải pháp thực hiện việc quy hoạch chi tiết và đồng bộ về hệ thống bãi đỗ xe, ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng tại các khu vực trung tâm và các điểm công cộng.
Xây dựng các bãi đỗ xe thông minh, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa không gian đỗ xe và nâng cao hiệu quả quản lý.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các điểm trông giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Đặc biệt, cần siết chặt quản lý, giám sát các điểm trông giữ xe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Việc giải quyết bài toán quản lý vỉa hè cũng như các điểm trông giữ xe xe ở Hà Nội không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo dựng hình ảnh một thủ đô văn minh, hiện đại.

Hè phố phục vụ người đi bộ và là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc sử dụng lòng đường, hè phố làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện cũng chỉ là tạm thời.
Thành phố Hà Nội đã không ít lần rầm rộ ra quân giành vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, sau nhiều lần “trống giong, cờ mở”, mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Đã đến lúc thành phố Hà Nội cần thực hiện một cách bài bản, minh bạch và lâu dài bền vững trong việc quản lý vỉa hè, quy hoạch các điểm trông giữ xe để tránh việc “bắt cóc bỏ đĩa” mỗi khi ra quân giành vỉa hè.