Hà Nội:
Siết chặt phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc liệu đã hợp lý?
VHO - Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Đâu là lý do xảy ra ùn tắc trên địa bàn Hà Nội?
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến hết sức phức tạp.
Nhiều tuyến đường, nút giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc giao thông nhất là vào giờ cao điểm.
11 trục tuyến đường ùn tắc gồm trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận Hà Đông, Thanh Xuân); trục đường Láng (đoạn từ ngã tư Sở đến Cầu Giấy; đường Vành đai 3 trên cao, dưới thấp (đặc biệt là tại các lối lên, xuống); đường Tam Trinh; đường Lĩnh Nam; trục đường Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng; trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu.
Đường Hoàng Hoa Thám; đường Giải Phóng; đường đê Nguyễn Khoái (đoạn từ Trần Khát Chân đến cầu Vĩnh Tuy); Đường 70 (đoạn từ Phúc La đến cầu Tó); trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương; trục đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận (quốc lộ 5 cũ).
5 điểm ùn tắc gồm nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung; khu vực đảo xuyến trên đường Cương Kiên; trên đường Trần Nhật Duật (cửa khẩu Chương Dương Độ); ngã tư Trần Phú - Thanh Bình - Phùng Hưng (cầu Trắng); ngã tư Phùng Hưng - Cầu Bươu - đường 19/5 (cầu Đen).
Sở này cũng cho biết, tính đến đầu năm nay, trên địa bàn Hà Nội có 33 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, đến hết tháng 11 đã xử lý được 13/33 điểm, còn lại 20 điểm.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội dự kiến phát sinh 16 điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc giao thông nâng tổng số lên 36 điểm, tuyến đường ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông. Đó là mật độ dân cư lớn, tốc độ tăng dân số cơ học cao và tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân khoảng 4-5%/năm, cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 0,35%/năm).
Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch. Mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt đô thị (phương tiện di chuyển xương sống trong đô thị) vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có 2 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng.
Loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn (BRT) mới chỉ hình thành được 1/8 tuyến; chưa có tuyến xe điện 1 ray nào được đầu tư hình thành. Tỉ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp, chỉ đạt được 19,5%.
Sở Giao thông vận tải cho rằng ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 20 ngày 4.12, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, vấn đề cốt lõi để xử lý ùn tắc giao thông hiện nay là quản lý phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đúng mức; mạng lưới giao thông chưa đồng bộ. Đặc biệt, hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, tỉ lệ vận tải chỉ đạt được 19,5%...
Rõ ràng, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu, thì việc Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội “đổ lỗi” cho phương tiện giao thông, đề nghị quản lý chặt phương tiện giao thông trong việc xử lý ùn tắc giao thông đúng, nhưng đã hợp lý và thực tế hay chưa?
Người dân có quyền tự do cư trú, tự do đi lại, vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Siết chặt, quản lý chặt, hạn chế phương tiện cá nhân có thể giảm ùn tắc giao thông như ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội phát biểu. Nhưng, người dân đi lại bằng phương tiện gì?