Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Cầu nối giao thương, quảng bá văn hóa

KHẢI HƯNG

VHO - Sáng ngày 12.2, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp báo giới thiệu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Cầu nối giao thương, quảng bá văn hóa - ảnh 1
Quang cảnh Họp báo Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 tại Hà Nội

Ban tổ chức cho biết lễ hội lần này sẽ được tổ chức từ ngày 9.3 đến 13.3.2025 tại TP. Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới". 

Sự kiện này là hoạt động chào mừng 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10.3.1975 - 10.3.2025) đồng thời tạo cơ hội để quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Đắk Lắk.

Lễ hội sẽ bao gồm 15 hoạt động chính, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê, đồng thời giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cà phê và nông nghiệp.
Ngoài ra, sự kiện còn là dịp để quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thông tin về lễ hội sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang web chính thức http://lehoicaphe.vn và fanpage https://www.facebook.com/lehoicaphevn. 

Tại buổi họp báo, Ban tổ chức cũng đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến nguồn thu từ lễ hội, tình hình thương mại cà phê, bảo hộ thương hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột" cũng như các quy định của Liên minh châu Âu về sản xuất cà phê bền vững.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Cầu nối giao thương, quảng bá văn hóa - ảnh 2
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tuấn Hà, nhấn mạnh rằng cà phê đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội của tỉnh, mang lại nguồn sinh kế cho người dân, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên. 

Với diện tích khoảng 210.000 ha và sản lượng hàng năm đạt hơn 520.000 tấn (chiếm hơn 30% sản lượng cả nước), cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau 20 năm và 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện quan trọng của ngành cà phê Việt Nam, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách trong và ngoài nước. 

Lễ hội năm 2025 được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế giao lưu, hợp tác, góp phần phát triển thương hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột", thúc đẩy đầu tư, du lịch và giao thương.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Cầu nối giao thương, quảng bá văn hóa - ảnh 3
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới 2018 H’Hen Niê - Đại sứ truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần tứ 9 năm 2025 chia sẻ về hoạt động truyền thông cho Lễ hội.

Tỉnh Đắk Lắk đang tích cực chuẩn bị để tổ chức một kỳ lễ hội ấn tượng và ý nghĩa. Ban tổ chức mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan thông tấn, báo chí để lan tỏa các thông tin, nội dung và giá trị của lễ hội.

Cũng tại họp báo, Ban tổ chức đã công bố và ra mắt hai Đại sứ Truyền thông cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9: Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới 2018 H’Hen Niê và Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam 2024 Đinh Thị Hoa.

Sự tham gia của các đại sứ truyền thông sẽ góp phần quan trọng vào việc quảng bá lễ hội đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc