Làng Mường Quảng Nam vui Tết Độc lập

VHO - Hơn 30 năm trước, hàng chục hộ đồng bào dân tộc Mường từ vùng núi Hòa Bình vào lập nghiệp nơi vùng cao Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Họ đã “bén duyên” nơi vùng đất mới, cùng hòa nhịp sống với đồng bào bản địa người Ca Dong, Cor,...hình thành một làng Mường nơi vùng núi rừng phía Đông dãy Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Làng Mường Quảng Nam vui Tết Độc lập - Anh 1

Bản sắc văn hóa Mường trên vùng đất Bắc Trà My. Ảnh: Đặng Kế Đông

Toàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có gần 140 hộ dân là đồng bào dân tộc Mường di cư từ xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình từ những năm 1985-1986. Trong đó tập trung nhiều nhất là ở làng Mường tại chân núi Hòn Bà, thôn 3, xã Trà Giang với khoảng 70 hộ dân. 
Từ ngày lập làng trên đất Quảng Nam đến nay, dù có thăng trầm, khó khăn thế nào, làng Mường này vẫn giữ tục một năm có hai cái Tết: Ngày Tết Độc lập và ngày Tết Nguyên Đán. 
Cứ vào dịp Quốc khánh 2.9, người Mường ở Quảng Nam lại tổ chức ăn mừng Tết Độc lập, hay còn gọi là Tết Bác Hồ. Nhà nào cũng trang hoàng, sửa sang bàn thờ Tổ Quốc, Bác Hồ, tổ tiên; sắm mâm cổ giỗ Bác Hồ và tưởng niệm trang nghiêm.
Mâm cỗ cúng Tết Độc lập trong gia đình người Mường không thể thiếu các món truyền thống như: thịt lợn quay, xôi ngũ sắc, thịt cá nướng chấm muối hạt dỗi,, gà luộc, măng luộc, rau rừng, canh xương sắn, ếch đá nướng, rượu cần……
Sau phần lễ là phần hội, cả làng mở tiệc ăn mừng, chiêu đãi khách; cùng mặc những bộ trang phục thổ cẩm thêu tay, biểu diễn nhạc cụ, điệu múa truyền thống, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian như múa sạp, ném còn… Đây cũng là dịp nhắc nhớ con cháu giữ gìn văn hóa truyền thống cũng như tri ân công lao của bao thế hệ cho hòa bình hôm nay.

Làng Mường Quảng Nam vui Tết Độc lập - Anh 2

Các món ẩm thực đặc trưng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết độc lập

Lối vào làng du lịch cộng đồng Mường ở Trà Giang băng qua vài con suối nhỏ, rừng cây lát hoa, lối đi được lát đá công phu đến tận chân nhà sàn. Cả làng có khoảng 22 hộ, cùng từ Lạc Sơn vào khai phá vùng đất Trà Giang những năm 1985-1986. 
Sống cùng với các tộc người bản địa ở Bắc Trà My như Ca Dong, Cor,…người Mường vẫn giữ bản sắc cha ông, cùng tạo nên vẻ đẹp văn hóa đa sắc màu cho vùng núi Quảng Nam. 
Những nếp sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào Mường vùng Hòa Bình vẫn được bảo tồn, phát huy nguyên vẹn nơi vùng đất mới, thể hiện ở kiến trúc nhà sàn, trang phục thổ cẩm dệt tay, sinh hoạt cộng đồng như trò chơi dân gian, múa sạp, ném còn, nghề đan lát, làm rượu cần,  ẩm thực…

Ông Bùi Văn Thực, chủ nhân của ngôi nhà sàn ở làng được nhiều du khách tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng cho biết: Lúc mới đến, nơi đây còn hoang vu, khí hậu trong lành, đất đai rộng rãi, phong cảnh hữu tình nên mọi người cùng bắt tay vào khai hoang, mở đường, lát đá tạo những lối đi từ suối, chân đồi lên tận những mảnh đất khai phá để dựng nhà. 
Mỗi ngôi nhà sàn được dựng lên, cộng đồng người Mường cùng chung tay giúp sức chủ nhà đốn gỗ, dựng trụ, đóng cửa, lợp mái,….Tất cả vẫn theo kiến trúc, kinh nghiệm truyền thống của người Mường và khiến không ít du khách bất ngờ khi khám phá không gian bản Mường đặc trưng ngay giữa vùng núi rừng Quảng Nam. 

Làng Mường Quảng Nam vui Tết Độc lập - Anh 3

Ngôi nhà sàn đặc trưng của người Mường nơi vùng đất Quảng Nam

Vừa giới thiệu về cách sản xuất rượu cần, vừa nhiệt tình mời khách nếm thử rượu cần cùng những món đặc sản của người Mường, vợ chồng ông Bùi Văn Nỗm và bà Bùi Thị Nới vừa tự hào giới thiệu với du khách về văn hóa truyền thống, nếp sinh hoạt đặc trưng của đồng bào Mường. 
Hồi mới nghe ý định lập nghiệp tại vùng đất mới, cách quê hương hàng nghìn cây số của chồng, bà Bùi Thị Nới không giấu nổi sự lo lắng. Nhưng bà vẫn tin tưởng và ủng hộ quyết định đó vì biết đã có nhiều người Mường ở Hòa Bình vào khai phá, lập nghiệp và sống ổn định ở Trà Giang. Vùng đất này khi ấy còn rộng rãi, có thể cải tạo thành đồng ruộng để sản xuất, chăn nuôi, thu lượm sản vật nơi núi rừng,… Sau này, nhiều bà con ở quê vào thăm, chứng kiến tận mắt cuộc sống ổn định của những người đi khai phá, đã cũng vào theo, dựng nhà sàn, khai phá đất sản xuất, trồng lúa nước, đào ao nuôi cá, cùng sống quây quần đoàn kết nơi làng Mường. 
 “Khi đến định cư ở vùng đất này, người Mường đã mang theo loài cây lát hoa có giá trị cao và trồng trên những cánh rừng Trà Giang. Những cây lát hoa từ vùng Hòa Bình vào cũng “bén rễ”, phát triển tốt trên vùng đất mới. Bây giờ, nhà nào cũng có vườn với ít nhất vài nghìn cây lát hoa, có cây đã gần 20 năm tuổi, gỗ đẹp, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho đồng bào Mường ở Trà Giang. Các gia đình đều làm nhà sàn truyền thống, gìn giữ phong tục ăn Tết Bác Hồ, coi việc trồng cây gỗ lát hoa như một báu vật riêng của đồng bào mình”, ông Nỗm kể.
Bà con cũng đã được chính quyền hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại làng Mường, kết nối với các điểm du lịch khác tại địa phương nhằm tạo thêm các điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách. Qua đó cũng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người Mường tại vùng.
Trên quê hương mới, người Mường vẫn gìn giữ nguyên vẹn các sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Mường như trang phục truyền thống, múa chiêng, múa sạp, các trò chơi dân gian ném còn, chơi đánh mãng, chơi cù…vẫn đang được bảo tồn, phát huy trong đời sống sinh hoạt, lễ hội truyền thống của làng.  

Làng Mường Quảng Nam vui Tết Độc lập - Anh 4

Bà con làng Mường chào đón, kể chuyện làng với du khách

Bà Trịnh Thị Hồng Nga, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Gần 30 năm qua, cộng đồng người Mường ở Trà Giang đã tận dụng địa hình, đất đai trù phú để khai hoang. Tạo được bản sắc riêng từ cách dựng nhà sàn để định cư lâu dài, giữ gìn và phát huy sinh hoạt truyền thống,  tập quán trồng lúa nước, dệt thổ cẩm và đón hai Tết trong một năm. 
Thời gian qua địa phương chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, trong đó có văn hóa tộc người Mường tại Trà Giang. Cụ thể như khuyến khích bảo tồn những căn nhà sàn truyền thống;  hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, trang phục, xây dựng lại đội cồng chiêng, tạo điều kiện để đồng bào  biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, các trò chơi dân gian tại các lễ hội truyền thống. Xây dựng đề án bảo tồn làng Mường tại Trà Giang bằng cách làm du lịch cộng đồng tại làng, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn để thu hút du khách. 
Đội cồng chiêng người Mường tại xã Trà Giang được thành lập với hàng chục thành viên nhiều thế hệ, thường xuyên biểu diễn mỗi lễ hội của làng, giao lưu, thi đấu với với các đội cồng chiêng Ca Dong, Cor…, phục vụ du khách du lịch đến thăm làng.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc