Lan tỏa phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”

SƠN THÙY

VHO - Sau gần 2 năm phát động, phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã lan tỏa sâu rộng và mang lại kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả vào công tác giảm nghèo bền vững…

 Lan tỏa phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” - ảnh 1
Các dòng họ ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên quan tâm, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học

 Các dòng họ chung tay xóa nghèo

Về thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), ai cũng kể chuyện dòng họ Lê Khắc đã tổ chức hiệu quả các giải pháp giảm nghèo. Cụ thể, Ban đại diện dòng họ đã tập họp con cháu để triển khai vận động các thành viên chung tay giúp đỡ, chăm lo cho các gia đình nghèo khó, neo đơn. Kết quả, hai hộ nghèo đã được bà con hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa nhà; hai gia đình đã nhận các cụ già không có khả năng lao động về nuôi dưỡng, chăm sóc tại nhà; huy động xây dựng Quỹ giảm nghèo của dòng họ Lê Khắc được trên 100 triệu đồng…

Tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, theo kế hoạch năm 2024 sẽ giảm 8 hộ nghèo và đến năm 2025 sẽ không còn hộ nghèo. Với việc triển khai phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, đại diện các họ tộc đã kêu gọi con cháu, nhà hảo tâm hỗ trợ theo nhiều hình thức để các hộ thoát nghèo. Trong năm 2023 trước đó, đã có 11 hộ dân ở các họ Lê, Ngô, Trương, Nguyễn, Trần, Phan được “giúp sức” vươn lên. Không chỉ dừng ở việc thoát nghèo, các gia đình còn kết nối hỗ trợ nhau về mô hình sinh kế, mang lại thu nhập bền vững…

 Lan tỏa phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” - ảnh 2
Huyện Phong Điền là “điểm sáng” trong thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền tặng Giấy khen cho đại diện các dòng họ thực hiện tốt phong trào

Phong trào cũng được triển khai hiệu quả tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới… Đặc biệt, huyện miền núi A Lưới đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo vào tháng 7.2024 vừa qua. Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn 7.540 hộ (2,27%) và cận nghèo là hơn 9.000 hộ (2,71%).

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc cho biết: Năm 2024, trên địa bàn xã có 13 hộ thoát nghèo (vượt chỉ tiêu huyện giao).

Trong đó, có 5 hộ là người già neo đơn và bệnh tật, phần lớn đã trên 80 tuổi được con cháu trong dòng họ cam kết hỗ trợ nuôi dưỡng, chu cấp hằng tháng (khoảng 2 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ/năm. Trước đó, năm 2023, xã Lộc Tiến cũng có 28 hộ viết đơn xin thoát nghèo khi được các thành viên trong họ cam kết hỗ trợ nuôi dưỡng từ 1,5 - 3 triệu đồng/hộ/tháng tùy theo số khẩu.

Phát huy và lan tỏa tính nhân văn của người Huế

Tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn khoảng 2 - 2,2%; trong đó khu vực nông thôn giảm còn dưới 1,5% và vùng miền núi giảm còn dưới 5%. Sự chung tay của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, cộng đồng trong, ngoài tỉnh và điều quan trọng là sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con trong các dòng họ đã tạo nên kết quả rất khả quan.

Ông Nguyễn Chí Tài, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: Qua triển khai phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, nhiều phẩm chất của người Huế như tính nhân văn, tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau trong khó khăn… đã được phát huy mạnh mẽ. Với tinh thần tương thân tương ái, các dòng họ đã chung tay hỗ trợ, giúp đỡ những hộ còn nghèo khó vươn lên. Nhiều dòng họ đã triển khai những hoạt động rất ý nghĩa, từ hỗ trợ học bổng cho con em gia đình khó khăn, đến đóng góp tiền mặt, vật liệu, ngày công… để giúp bà con xóa nhà tạm.

 Lan tỏa phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” - ảnh 3
Xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc khen thưởng đại diện các dòng họ và mạnh thường quân hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

Phong trào còn huy động được các Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp, người Huế ở xa hướng về quê hương giúp đỡ đồng bào. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các công trình phúc lợi ở các làng, các xã, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, mà còn đưa đến tay họ các mô hình sinh kế để có thu nhập bền vững…

Tại các địa phương miền núi nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phong trào huy động được sự đóng góp của những người có uy tín trong cộng đồng thôn, bản để tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, tinh thần tự lực tự cường vượt qua khó khăn trong các dòng họ, làng, bản.

“Một số địa phương đã phát huy và lan tỏa phong trào rất hay, như huyện A Lưới có “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo và không có ma túy”; TP Huế phát động “Dòng họ, dòng tộc không có hộ nghèo, người nghiện ma túy và trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật”… Những phong trào này đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự và giảm nghèo ở các địa phương”, ông Nguyễn Chí Tài thông tin.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng cùng chung tay xóa nhà tạm; hỗ trợ mô hình sinh kế; đào tạo nghề, việc làm; xuất khẩu lao động… Trong 2 năm qua, tỉnh đã huy động được hơn 7,5 tỉ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, tập trung nhiều cho huyện miền núi A Lưới.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, một số địa phương xây dựng hương ước của làng, xã đã đưa vào nội dung “Dòng họ, làng, bản không có người bỏ học”. Điều này cho thấy bà con luôn chú trọng đầu tư cho công tác giáo dục đào tạo thế hệ sau này.